15/07/2025 - 11:15

Đảo ngọc Phú Quốc
Nhiều cơ hội để phát triển 

Tuần lễ cấp cao APEC 2027 diễn ra tại đảo Phú Quốc (nay là đặc khu Phú Quốc, An Giang) được xem là cơ hội thuận lợi để quảng bá hình ảnh của đảo ngọc đến với du khách quốc tế; đồng thời đón làn sóng đầu tư mới vào hòn đảo xinh đẹp này. Hiện tại, Chính phủ và các bộ ngành chức năng đã yêu cầu tỉnh An Giang khẩn trương triển khai hàng loạt công trình tầm cỡ nhằm phục vụ tốt cho sư kiện quan trọng.


Đảo ngọc Phú Quốc đã và đang được đầu tư rất hiện đại, quy mô tầm cỡ.

Nhiều dự án quy mô lớn

Việc tổ chức hội nghị APEC 2027 là sự kiện quan trọng, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, phát triển An Giang và đảo ngọc Phú Quốc. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, từ nay tới năm 2027 chỉ còn hơn 2 năm, do đó phải rất khẩn trương, nỗ lực trong công tác chuẩn bị. Thủ tướng giao cho Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng trực tiếp chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan cơ sở vật chất, hạ tầng, hậu cần phục vụ hội nghị; Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trực tiếp chỉ đạo các công việc liên quan nội dung, chương trình hội nghị; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, xử lý các công việc liên quan đất, rừng…

Giữa tháng 5-2025, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã ký quyết định giao nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện và thực hiện một số biện pháp để triển khai nhanh các dự án phục vụ hội nghị APEC 2027. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trong việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức thành công hội nghị, gắn liền với sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước. Ðây là hoạt động đối ngoại, nhiệm vụ chính trị của quốc gia. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo trình tự, thủ tục rút gọn, đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan. Chấp thuận áp dụng quy định về cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (các mỏ cát biển tại Phú Quốc) để cung cấp vật liệu thi công dự án xây dựng kè và san lấp mặt bằng xây dựng các công trình ở Phú Quốc.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% cho các dự án đầu tư công, ngân sách địa phương tự cân đối 30% (nhưng không thấp hơn vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án); đối với đại lộ APEC thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 50%, ngân sách địa phương và nhà đầu tư 50%. UBND tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, lựa chọn, quyết định dự án để triển khai thực hiện phục vụ tổ chức hội nghị APEC 2027 gắn liền với sự phát triển bền vững của địa phương, đất nước; có phương án khai thác hiệu quả, sử dụng lâu dài các dự án sau hội nghị.


Đảo ngọc Phú Quốc là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

 

Việc triển khai thực hiện các dự án phải đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và không làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Ðồng thời, rà soát diện tích, loại đất rừng cụ thể và nhu cầu thực tế cần chuyển mục đích sử dụng rừng để triển khai các dự án phục vụ trực tiếp cho hội nghị APEC 2027, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng phương án chuyển giao tài sản và đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đảm bảo tiến độ phục vụ hội nghị…

UBND tỉnh An Giang cho biết, đã xây dựng kế hoạch triển khai nhanh 21 dự án phục vụ hội nghị APEC 2027, với tổng số vốn khoảng 137.138 tỉ đồng. Theo đó, có 10 dự án đầu tư công; 11 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đầu tư kinh doanh. Những dự án có vốn đầu tư lớn như, hồ nước Cửa Cạn sức chứa 7,5 triệu m3, vốn hơn 1.026 tỉ đồng; hồ nước Dương Ðông 2 sức chứa 7,5 triệu m3, vốn 2.950 tỉ đồng; Trung tâm tổ chức hội nghị và các công trình chức năng với diện tích 57ha, vốn 1.400 tỉ đồng; xây dựng đường tỉnh ÐT.975 (đoạn từ ÐT.973 - Cảng hàng không Phú Quốc - ÐT975 - ÐT.973) chiều dài khoảng 20km, chiều rộng 60m, vốn 2.500 tỉ đồng. Ðặc biệt là dự án tuyến tàu điện đô thị dài hơn 20,2km từ Cảng hàng không Phú Quốc đến Trung tâm hội nghị, có vốn đầu tư hơn 9.000 tỉ đồng…

Đẩy nhanh tiến độ các dự án

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh An Giang cho hay, tỉnh đã rà soát lại và chọn lọc các dự án thành phần với nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách. Ngoài ra, tỉnh đề xuất bổ sung dự án về ngầm hóa hệ thống điện và tăng cường chuyển đổi số, số hóa phục vụ APEC 2027. Song song đó, tỉnh phối hợp chặt với Bộ Tài chính trong xây dựng dự thảo về đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Tất cả đang được triển khai rất khẩn trương và theo đúng các quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, vào ngày 14-3 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức lễ phát động chuẩn bị tuần lễ cấp cao APEC 2027. Cụ thể, với mục tiêu chung là thực hiện nhiệm vụ chính trị quốc gia, UBND tỉnh kêu gọi sự đồng lòng, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân trên địa bàn Phú Quốc, cùng quyết tâm, hành động quyết liệt, trách nhiệm cao nhất để sự kiện tuần lễ cấp cao APEC thành công.

Theo đó, An Giang sẽ gấp rút đầu tư hạ tầng giao thông như sân bay Phú Quốc, cảng quốc tế An Thới, khu tổ hợp đa chức năng APEC (dự án lấn biển 57ha) để phục vụ hội nghị. Việc nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đạt cấp 4E, gồm xây dựng mới đường cất hạ cánh số 2 dài 3,3km, xây dựng mới nhà ga T2, nhà ga quốc tế với công suất lên đến 20 triệu khách và nhà ga VIP, sân đỗ có sức chứa lên đến 70 chỗ, khu nhà chứa máy bay, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, kho hàng hóa… diện tích hơn 1.000ha.


Nhiều du khách thích thú khi đến với Phú Quốc - thiên đường nghỉ dưỡng.

 

Ðối với Cảng hàng không Rạch Giá nâng cấp, mở rộng với quy mô khoảng 200ha để tiếp nhận máy bay cỡ lớn. Cảng biển quốc tế An Thới được nâng cấp quy mô 100ha nhằm đón những tàu du lịch lớn nhất thế giới chở từ 7.000-10.000 khách; nâng cấp các tuyến đường trục Dương Ðông đi Bắc Ðảo và dự án đại lộ Ðông - Tây đảo Phú Quốc kết nối khu hành chính mới của Phú Quốc với cảng Hàm Ninh. Nhanh chóng triển khai khu tổ hợp đa chức năng APEC diện tích lấn biển 57ha, có sức chứa gần 15.000 người, gồm các công trình như, trung tâm hội nghị và triển lãm, khán phòng đa năng, trung tâm báo chí quốc tế, quảng trường APEC, khu hỗn hợp cao tầng gồm khách sạn, casino, trung tâm thương mại mua sắm phi thuế quan và cung văn hóa nghệ thuật đa năng…

Theo ông Ðặng Minh Trường, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group chia sẻ: “Sự kiện APEC 2027 tạo động lực đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới. Tập đoàn Sun Group cam kết sẽ đồng hành cùng Chính phủ, chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng triển khai các công trình tầm cỡ trên và phối hợp tốt trong việc tổ chức, đón tiếp khách quốc tế, đảm bảo các khâu phục vụ chu đáo, ấn tượng đối với khách…”.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hội nghị APEC 2027 là sự kiện chính trị đối ngoại rất đặc biệt mà Việt Nam đăng cai và tổ chức tại đảo Phú Quốc vào năm 2027. Từ nay đến khi diễn ra APEC 2027 còn hơn 2 năm, do đó Chính phủ mong muốn lãnh đạo bộ ngành Trung ương, tỉnh An Giang… nỗ lực cao nhất, chuẩn bị mọi phương án để tổ chức thành công hội nghị. Chính phủ yêu cầu tỉnh phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, để triển khai thực hiện, kiểm tra rà soát tiến độ, kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc; thực hiện tốt giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh đầu tư, thực hiện cơ sở hạ tầng, dự án phục vụ hội nghị.
Năm 2024, đảo Phú Quốc đón 6 triệu lượt du khách (khách quốc tế 962.400 lượt khách, tăng hơn 73% so với cùng kỳ, vượt hơn 44% kế hoạch năm), tổng thu đạt 21.170 tỉ đồng (tăng hơn 43% so với cùng kỳ, vượt hơn 24% kế hoạch năm). Có thể nói, đảo ngọc Phú Quốc đóng vai trò chủ lực trong phát triển du lịch của tỉnh nhiều năm qua và trong tương lai.

Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH

Chia sẻ bài viết