14/07/2025 - 07:21

Nỗ lực xứng tầm đầu tàu ngành Giáo dục và Đào tạo của vùng ĐBSCL 

Sau khi hợp nhất, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) của TP Cần Thơ được mở rộng không gian phát triển, đội ngũ giáo viên, quy mô học sinh tăng, góp phần nâng cao vị thế của ngành. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT của thành phố vẫn còn một số khó khăn, cần có giải pháp căn cơ và sự đồng lòng, chia sẻ trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ mới của toàn ngành.

Một buổi học của học sinh Trường Tiểu học Định Môn 2.

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, sau khi hợp nhất, toàn thành phố có 1.232 trường học từ cấp mầm non đến THPT; với trên 665.800 trẻ, học sinh. Thành phố có 1 Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Hậu Giang (cũ), 1 Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ, 80 cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Tính đến ngày 30-6-2025, toàn thành phố có 1.003/1.232 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 81,41%; trong đó bậc tiểu học có số trường đạt chuẩn quốc gia cao nhất: 431/506 trường. Đây là kết quả đáng khích lệ, thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp các ngành trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết ngay sau khi triển khai công tác hợp nhất, Sở nhanh chóng bố trí ổn định nơi làm việc; chủ động bố trí nhân sự, sắp xếp và triển khai nhiệm vụ. Nhất là đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Lãnh đạo Sở tổ chức họp, thống nhất phân công nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực; thực hiện quy trình xây dựng phương án bố trí, sắp xếp công chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND TP Cần Thơ với Sở GD&ĐT thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 mới đây, nhiều đại biểu ở các cơ sở giáo dục cho rằng, sau hợp nhất, GD&ĐT thành phố đã mở rộng không gian phát triển, đội ngũ giáo viên, quy mô học sinh tăng, góp phần nâng cao vị thế của giáo dục thành phố. Tuy nhiên, ngành vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn về thiếu giáo viên, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị... đòi hỏi có giải pháp căn cơ.

Cô Trịnh Thị Trúc Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Long Mỹ, cho biết chế độ chính sách nhà giáo có cải thiện, đây là niềm vui đối với các thầy cô. Đồng thời, các thầy cô cũng bày tỏ rằng điều quan trọng hơn là đầu tư tổng thể có chiều sâu cho ngành. Cơ sở vật chất, phòng lớp học cần sự quan tâm hàng đầu, nhất là ở vùng xa của tỉnh Hậu Giang (cũ) còn thiếu thốn, khó khăn. Thầy Phạm Tấn Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phú, chia sẻ: “Còn rất nhiều trường ở vùng xa điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, rất cần được quan tâm nhiều hơn để thực hiện hiệu quả hoạt động giáo dục”.

Theo thầy Phùng Kim Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Diệu (phường Sóc Trăng), hiện nay, TP Cần Thơ được ví như đầu tàu và còn có các toa tàu; do vậy, công suất đầu tàu phải tăng. Để làm được điều này, thầy Phùng Kim Phú đề xuất các giải pháp như cần quan tâm cơ chế chính sách đối với giáo dục, tăng tính tự chủ đối với các cơ sở giáo dục; quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ nhà giáo về chuyên môn, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong mọi hoạt động. “Ngành Giáo dục thành phố phải là đầu mối, kết nối tất cả cơ sở giáo dục, tạo một hệ sinh thái để chia sẻ kinh nghiệm, học liệu, nguồn nhân lực, chuyên môn và các điều kiện hoạt động giáo dục để cùng nhau phát triển”, thầy Phùng Kim Phú chia sẻ.

Sau khi sắp xếp, hợp nhất, số lượng biên chế công chức được giao của Sở GD&ĐT thành phố là 161 biên chế. Số người làm việc được giao của ngành GD&ĐT là 42.076 người, trong đó biên chế chính thức là 41.388 người, chờ tuyển dụng là 688 người. Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, cho biết: Tính theo định mức giáo viên, năm học 2024-2025, số còn thiếu so với định mức là 2.519 giáo viên từ cấp mầm non đến THPT. Tính theo biên chế được giao năm học 2024-2025 số giáo viên còn thiếu là 1.993 giáo viên; trong đó tiểu học thiếu nhiều nhất, với 706 giáo viên.

Để đảm bảo đội ngũ giáo viên cho năm học 2025-2026, ông Nguyễn Phúc Tăng cho biết, Sở GD&ĐT thành phố tiếp tục phối hợp với UBND cấp xã thực hiện quy trình tuyển dụng viên chức theo thẩm quyền và hướng dẫn; đồng thời thực hiện tốt công tác rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ như điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu nhằm giải quyết tình trạng thừa/thiếu cục bộ, tiếp nhận viên chức từ các tỉnh, thành phố có nguyện vọng về công tác tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, giải quyết kịp thời khó khăn của các trường, Sở GD&ĐT thành phố phối hợp với UBND cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện hợp đồng giáo viên trong thời gian chờ tuyển dụng theo quy định của Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. Đối với trang thiết bị của các đơn vị đã xuống cấp, không đảm bảo chất lượng, ngành đã phối hợp với Sở Xây dựng khảo sát hiện trạng, đề xuất bố trí vốn gần 21 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp trường lớp, đảm bảo an toàn, kiên cố hóa trường học, không để học sinh phải học trong trường lớp xuống cấp.

Bà Trần Thị Huyền, quyền Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết lãnh đạo ngành GD&ĐT nỗ lực cùng đội ngũ cán bộ, nhà giáo đồng lòng, chia sẻ, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm để tập trung thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngành, cũng như sự kỳ vọng của lãnh đạo thành phố, góp phần đưa ngành GD&ĐT thành phố xứng tầm đơn vị đầu tàu của đô thị trung tâm vùng ĐBSCL.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT thành phố, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đề nghị ngành GD&ĐT quan tâm chuẩn bị các điều kiện khai giảng năm học mới. Thành phố sẽ tập trung các nguồn lực để ưu tiên đầu tư cho giáo dục và y tế, khắc phục dứt điểm tình trạng trường lớp xuống cấp, thiếu trang thiết bị học tập, đáp ứng nhu cầu dạy và học ngày càng cao. Thành phố khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, mở rộng hệ thống trường tư thục, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời đa dạng hóa loại hình giáo dục để người dân có thêm lựa chọn chất lượng. Với sự đồng hành, quan tâm, chia sẻ kịp thời của lãnh đạo thành phố, sự quyết tâm và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sự ủng hộ của nhân dân, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, xứng tầm là trung tâm vùng ĐBSCL.

 

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết