12/07/2025 - 13:55

Thuế quan không đơn thuần là chính sách thương mại của ông Trump 

Ðòn thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp lên hàng nhập khẩu từ Brazil đã mở rộng việc sử dụng thuế trừng phạt của ông đối với các vấn đề không liên quan đến thương mại, phá vỡ tiền lệ kinh tế toàn cầu kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Theo đuổi chương trình nghị sự thương mại quyết liệt có nguy cơ bào mòn uy tín của chính quyền ông Trump. Ảnh: Getty Images

Công cụ cho các ưu tiên chính trị

Ngày 11-7, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tuyên bố sẽ áp thuế 50% lên hàng hóa Mỹ nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa đánh thuế tương tự đối với hàng xuất khẩu của nước này từ ngày 1-8.

Trước đó, ông Trump đã viện dẫn phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, đồng minh chính trị thân cận của ông, là lý do cho kế hoạch áp thuế lên hàng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh. Ông Bolsonaro đang đối mặt với cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống Brazil vào năm 2022 sau khi ông thất cử.

Ðây là một trong những ví dụ mới nhất về việc Tổng thống Trump sử dụng thuế quan như một công cụ phục vụ cho các ưu tiên chính trị ngoài thương mại. Hồi tháng 1 năm nay, ông dọa áp thuế đối với Colombia sau khi Bogota từ chối nhận 2 chuyến bay trục xuất người di cư. Một tháng sau, nhà lãnh đạo Mỹ áp thuế cao lên Canada, Mexico, Trung Quốc và dọa làm điều tương tự với các quốc gia mua dầu từ Venezuela. Ông cũng đã sử dụng cảnh báo về thuế quan nhằm buộc các nước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc tăng chi tiêu quân sự.

Tối 10-7, ông Trump tuyên bố áp mức thuế 35% đối với hàng nhập khẩu từ Canada (tăng so với mức 25% hiện tại) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8. Ông viện dẫn cuộc khủng hoảng fentanyl và những hục hặc khác với quốc gia láng giềng này để tung đòn thuế quan mới.

Chủ nhân Nhà Trắng đang “đánh cược” rằng mối đe dọa giảm khả năng tiếp cận người tiêu dùng Mỹ sẽ buộc các quốc gia phải chấp nhận những ưu tiên chính trị của ông. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ có nguy cơ bị tòa án quở trách và hứng chỉ trích chính trị nếu giá cả hàng hóa tăng.

Rủi ro pháp lý

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump từng gây bối rối cho các đồng minh của Mỹ như Canada khi lấy lý do an ninh quốc gia để áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm. Nhưng việc ông gắn các biện pháp thương mại với một loạt nỗi lo chính trị ngày càng gia tăng trong nhiệm kỳ thứ hai là điều chưa từng có.

Nhiều đồng minh của Tổng thống Donald Trump ủng hộ việc ông chuyển sang sử dụng quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng Mỹ làm đòn bẩy để đạt được nhượng bộ trong một số vấn đề chính trị. Tuy nhiên, những người khác trong đảng Cộng hòa của ông thì lên án sự bất ổn kinh tế. Các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào thương mại cho biết thuế quan khiến việc lập kế hoạch đầu tư trở nên khó khăn hơn.

Cách tiếp cận này tiềm ẩn những rủi ro pháp lý. Vào cuối tháng 5, Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ đã đình chỉ hầu hết các khoản thuế quan của Tổng thống Trump, phán quyết rằng Ðạo luật Quyền Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) không cho phép ông hành động như vậy.

IEEPA được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1977, dưới thời Tổng thống Jimmy Carter. Ðạo luật chỉ trao cho tổng thống quyền lực kinh tế khẩn cấp để đối phó với một số mối đe dọa nhằm vào an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại hoặc kinh tế Mỹ bắt nguồn từ nước ngoài.

Ông Trump hồi tháng 2 đã viện dẫn đạo luật này để ký sắc lệnh tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Trung Quốc, Mexico và Canada. Ông chủ Nhà Trắng nói động thái này nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp về fentanyl và người nhập cư trái phép vào Mỹ. Ðến đầu tháng 4, ông tiếp tục “vịn vào” IEEPA để đánh thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ và sau đó áp thuế đối ứng ở mức cao hơn, lên tới 50%. Một tuần sau, ông quyết định hoãn áp mức thuế cao hơn trong 90 ngày, để các nước có thời gian đàm phán thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Ðòn thuế 50% đánh lên Brazil có nguy cơ làm trầm trọng thêm những rủi ro pháp lý bởi ông cũng đã dùng tới IEEPA để dọa áp thuế. Các luật sư của Tổng thống Trump lập luận rằng việc ông viện dẫn IEEPA cho các đòn thuế là bước đi phù hợp để giải quyết những tình trạng khẩn cấp quốc gia, bao gồm cả “thâm hụt thương mại bùng nổ của Mỹ”. Thế nhưng, Washington có thặng dư thương mại hơn 7 tỉ USD với Brasilia trong năm ngoái.

HẠNH NGUYÊN (Theo WSJ, CNBC)

Chia sẻ bài viết