Theo các nguồn thạo tin, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và hãng sản xuất máy bay Boeing đã ban hành thông báo riêng rẽ, trong đó đều khẳng định khóa công tắc nhiên liệu trên máy bay Boeing là an toàn.
FAA ngày 11-7 đã phát hành Thông báo tiếp tục khả năng bay (Continued Airworthiness Notification) sau khi báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn máy bay Boeing 787-8 của hãng Air India xảy ra hồi tháng trước khiến 260 người thiệt mạng đã nêu ra những nghi vấn liên quan đến công tắc ngắt nhiên liệu của động cơ.

Xác chiếc máy bay của hãng Air India rơi ngày 12-6. Ảnh: AFP
Trong thông báo gửi tới các cơ quan hàng không dân dụng trên toàn cầu, FAA cho biết: “Mặc dù thiết kế công tắc điều khiển nhiên liệu, bao gồm cả cơ chế khóa, tương tự trên nhiều mẫu máy bay Boeing khác nhau, nhưng FAA không coi đây là một điều kiện mất an toàn ở mức phải ban hành chỉ thị về khả năng bay (Airworthiness Directive) đối với bất kỳ mẫu máy bay Boeing nào, bao gồm cả mẫu Boeing 787”.
Về phía nhà sản xuất, hãng Boeing cũng đã dẫn lại thông báo của FAA trong một văn bản gửi tới các hãng hàng không trong vài ngày qua, trong đó nêu rõ nhà sản xuất máy bay này không khuyến nghị thực hiện bất kỳ hành động cụ thể nào liên quan đến vấn đề công tắc ngắt nhiên liệu.
Báo cáo điều tra sơ bộ do Cục Ðiều tra tai nạn hàng không Ấn Ðộ (AAIB) công bố cũng dẫn lại một văn bản tư vấn kỹ thuật của FAA ban hành năm 2018. Trong văn bản này, FAA khuyến nghị (nhưng không bắt buộc) các hãng khai thác một số dòng máy bay Boeing, bao gồm Boeing 787, kiểm tra cơ chế khóa của công tắc ngắt nhiên liệu nhằm đảm bảo bộ phận này không bị kích hoạt ngoài ý muốn.
Báo cáo sơ bộ của AAIB cho biết hãng Air India đã không thực hiện các đợt kiểm tra theo khuyến nghị của FAA do văn bản tư vấn năm 2018 không mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, hồ sơ bảo dưỡng ghi nhận rằng mô-đun điều khiển bướm ga, bao gồm cả công tắc ngắt nhiên liệu, của chính chiếc máy bay gặp nạn đã được thay thế vào năm 2019 và 2023.
Báo cáo sơ bộ cũng lưu ý rằng “tất cả các chỉ thị về khả năng bay và thông báo kỹ thuật khẩn (alert service bulletins) đều được tuân thủ trên máy bay cũng như đối với động cơ”.
Hôm 12-7, Liên đoàn phi công hàng không Ấn Ðộ (ALPA Ấn Ðộ) thuộc Liên đoàn các Hiệp hội phi công hàng không quốc tế (ALPA) có trụ sở ở Montreal đã ra tuyên bố bác bỏ giả định về lỗi của phi công và kêu gọi một “cuộc điều tra công bằng và dựa trên thực tế”.
Trên mạng xã hội X, ALPA India cũng chỉ ra rằng báo cáo điều tra sơ bộ đã viện dẫn tài liệu tư vấn kỹ thuật năm 2018 của FAA liên quan đến “khe khóa công tắc điều khiển nhiên liệu”, cho thấy có khả năng xảy ra trục trặc thiết bị.
Trong báo cáo sơ bộ mà AAIB công bố ngày 12-7, máy ghi âm buồng lái đã ghi lại đoạn hội thoại trong những giây phút cuối cùng của chuyến bay, trong đó một phi công hỏi người đồng nghiệp về việc tại sao nhiên liệu lại bị ngắt trong chuyến bay, và người này trả lời rằng “tôi không làm vậy”. Tuy nhiên, tài liệu không nêu rõ ai đã nói câu nào hay ai phát tín hiệu khẩn cấp “Mayday, Mayday, Mayday”.
Báo cáo cho biết hai công tắc nhiên liệu gần như cùng lúc đã chuyển từ chế độ hoạt động (run) sang chế độ ngắt (cutoff) ngay sau khi máy bay cất cánh, nhưng không nêu rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.
TRUNG TRANG (TTXVN)