Nhật Bản đang mở rộng hỗ trợ an ninh cho các quốc gia có vị trí chiến lược trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, qua đó phản ánh mục tiêu của Tokyo là cung cấp cho các quốc gia trong khu vực nhiều lựa chọn hợp tác hơn.

Lễ ký kết Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ giữa Nhật Bản và Philippines tại thủ đô Manila hồi tháng 7-2024. Ảnh: Reuters
Theo tờ The Diplomat, đa phần hỗ trợ an ninh cho các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Nhật Bản thực hiện thông qua chương trình Hỗ trợ an ninh chính thức (OSA). Tuy mới chỉ bước sang năm thứ ba, nhưng số tiền mà Nhật Bản dành cho chương trình tăng đáng kể, từ khoảng 13,8 triệu USD năm 2023 tăng lên 34,6 triệu USD năm 2024 và 56 triệu USD năm 2025. Số nước nhận được viện trợ cũng tăng lên đáng kể, từ 4 nước/năm trong 2 năm đầu lên 8 nước ở thời điểm hiện tại, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Papua New Guinea, Sri Lanka, Thái Lan, Đông Timor và Tonga.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, OSA được thành lập nhằm cung cấp thiết bị, vật tư và hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho “lực lượng vũ trang và các tổ chức liên quan của các quốc gia cùng chí hướng” để tăng cường “năng lực an ninh và khả năng răn đe của họ”. Bộ này cho hay, các dự án của OSA “chỉ giới hạn ở những khu vực không liên quan đến xung đột quốc tế”. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã cung cấp một số hỗ trợ liên quan đến an ninh thông qua chương trình Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn chỉ dành để hỗ trợ cho phát triển kinh tế, xã hội và thường tập trung vào viện trợ phi quân sự.
Được công bố trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022 của Nhật Bản và mặc dù ít được chú trọng hơn so với các sáng kiến được công bố trong năm đó nhưng OSA vẫn có ý nghĩa quan trọng. “OSA là một ví dụ quan trọng về sự thay đổi rộng lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Tôi nghĩ rằng sở dĩ Nhật Bản đưa ra chương trình này là bởi Tokyo muốn bảo vệ bờ biển và bất kỳ điều gì liên quan đến việc duy trì pháp quyền trong khu vực” - Robert Ward, thành viên cấp cao về Nghiên cứu An ninh Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore được tổ chức hồi cuối tháng 5.
Theo The Diplomat, OSA tập trung vào việc cải thiện khả năng giám sát vùng biển và không phận của bên nhận. Đơn cử, năm 2023, chương trình đã tài trợ các tàu tuần tra cho hải quân Fiji và Bangladesh, tàu cứu hộ cho quân đội Malaysia và radar ven biển cho lực lượng vũ trang Philippines. Năm 2024, chương trình OSA mở rộng về giá trị và phạm vi khi cung cấp tàu tuần tra tốc độ cao cho hải quân Indonesia, radar ven biển cho hải quân Djibouti, hệ thống kiểm soát không lưu cho không quân Mông Cổ, hệ thống radar ven biển cho hải quân Philippines cũng như thiết bị radar giám sát trên không cho không quân Philippines.
“OSA có một số lĩnh vực mục tiêu ưu tiên, gồm năng lực tình báo, giám sát, trinh sát cũng như hỗ trợ nhận đạo và cứu trợ thảm họa. Nó không mang tính động lực mà thiên về xây dựng năng lực” - Saya Kiba, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á tại Đại học Kobe (Nhật Bản), cho hay. Tuy nhiên, ông Kiba cũng coi OSA là một bước tiến nhằm hướng tới các thỏa thuận vũ khí trong tương lai. “Họ có thể thử thiết bị quốc phòng của chúng tôi. Nếu họ thích, họ có thể mua thiết bị đắt tiền hơn từ Nhật Bản. OSA phục vụ lợi ích trước mắt của Nhật Bản bằng cách thúc đẩy năng lực quân sự của bên nhận, góp phần ổn định trong bối cảnh an ninh đang xấu đi” - ông Kiba cho biết thêm.
Một số chuyên gia khác thì cho rằng Nhật Bản cũng muốn thể hiện nước này là một lựa chọn hợp tác khác cho các quốc gia đang cố gắng cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Song, điều này có vẻ “khó khăn” trong bối cảnh Nhật Bản là đồng minh chính thức của Mỹ. Chưa kể, Tokyo nhìn chung không muốn “xa lánh” Bắc Kinh” nhưng lại muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Washington. Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây cho rằng chương trình OSA được triển khai là nhằm mục đích “quân sự hóa và vũ khí hóa” viện trợ nước ngoài, qua đó giúp Nhật Bản tăng cường ảnh hưởng và giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc.
Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, giới lãnh đạo quốc phòng Nhật Bản và Philippines xác nhận Tokyo sẽ xuất khẩu 6 khu trục hạm lớp Abukuma cho Manila. Dù loại tàu này đã được Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản sử dụng hơn 30 năm nhưng đây vẫn là phương tiện quốc phòng hiện đại đầu tiên Nhật chuyển giao cho Philippines.
Khu trục hạm lớp Abukuma là tàu hộ tống dài 109m, lượng giãn nước khoảng 2.000 tấn và có thể chở theo 120 thủy thủ. Nó được trang bị thủy lôi, tên lửa chống hạm... Hiện Hải quân Philippines chỉ có 2 khinh hạm (tàu chiến loại nhỏ), dù nước này đã tiếp nhận 12 tàu tuần tra biển của Nhật Bản từ năm 2013.
TRÍ VĂN