Trong bối cảnh xung đột phức tạp và kéo dài ở Colombia leo thang, người dân địa phương đặc biệt sợ hãi khi các tổ chức tội phạm triển khai nhiều biện pháp cực đoan để bắt ép trẻ em gia nhập lực lượng.

Các tay súng FARC trong một khu rừng ở Colombia. Ảnh: AP
Nói trong điều kiện giấu tên thật, một bà mẹ 52 tuổi tự xưng Marta đến từ miền Đông Colombia cho biết con trai cô mới 13 tuổi đã bị bắt cóc ngay tại nhà vào giữa đêm. Cách đây gần 3 tháng, Marta gặp lại cậu bé cùng những lính trẻ vị thành niên khác trong đoàn diễu hành của nhóm phiến quân thuộc Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC).
FARC bị Chính phủ Colombia, Mỹ, Liên minh châu Âu cùng các tổ chức khác liệt vào danh sách khủng bố vì những hành động chống lại chính quyền lẫn người dân, môi trường và cơ sở hạ tầng. Các tay súng trước đó đã đe dọa Marta không được báo cảnh sát, nếu không chúng sẽ giết con trai cô và tiếp tục bắt những người còn lại trong gia đình.
Chia sẻ câu chuyện tương tự, một phụ huynh khác tự xưng Gloria cho biết con trai 16 tuổi của cô cũng bị bắt cóc lúc giữa đêm và bị ép gia nhập một nhóm vũ trang khác. May mắn là con trai Gloria đã được thả về nhà vào cuối tháng 6 sau nỗ lực đàm phán của các thành viên cộng đồng địa phương và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC).
Năm ngoái, báo cáo thường niên của ICRC cho biết Colombia đang đối mặt với viễn cảnh nhân đạo tồi tệ nhất kể từ thỏa thuận hòa bình năm 2016 với FARC. Trong đó, ICRC đặc biệt lưu ý tình trạng trẻ em bị các nhóm vũ trang tuyển dụng gia tăng và có 58% người dân sống trong các khu vực xung đột coi đây là rủi ro hàng đầu trong cộng đồng.
Theo điều phối viên Hilda Molano tại Liên minh Chống lại Sự tham gia của Trẻ em và Thanh thiếu niên vào Xung đột Vũ trang ở Colombia (COALICO), tình trạng tuyển dụng trẻ em đang ở mức tồi tệ nhất kể từ năm 2009 khi FARC tìm cách khôi phục nguồn nhân lực đã mất. Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) ước tính, số lượng trẻ em được tuyển dụng đã tăng từ 37 lên 409 trẻ trong giai đoạn 2021-2024.
Các nhà hoạt động cảnh báo con số trên có thể cao hơn nhiều và những trường hợp được ghi nhận, xác minh có thể chưa bằng 10% thực tế. Trong đó, báo cáo thường niên năm 2024 của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về trẻ em và xung đột vũ trang cho biết có ít nhất 14 trong số 262 trẻ (176 bé trai và 86 bé gái) bị ép gia nhập năm 2023 đã bị giết. Còn lại 112 em được thả hoặc trốn thoát, 136 em vẫn còn trong tổ chức. Khoảng 38 em được sử dụng trong các nhiệm vụ chiến đấu.
Từ cưỡng ép đến tự nguyện
Theo nhà phân tích Elizabeth Dickinson tại ICG, hầu hết trường hợp bị bắt cóc và cưỡng ép nhưng cũng có một bộ phận trẻ vị thành niên tự nguyện gia nhập do tin rằng các nhóm vũ trang đem lại an toàn hoặc cung cấp thu nhập, thức ăn.
Hình thức phổ biến nhất mà các tay súng sử dụng để tiếp cận bé trai là dựng video giả mạo về cuộc sống hào nhoáng, sau đó tung lên những nền tảng xã hội như TikTok, WhatsApp và Facebook. Ngược lại, đa phần bé gái bị dụ dỗ bằng những lời hứa về tình yêu, giáo dục cùng nhiều quyền lợi khác bao gồm cả phẫu thuật thẩm mỹ. Do không có khả năng kháng cự lại dễ sai khiến, thao túng và tách khỏi xã hội, trẻ sau khi gia nhập thường được giao các nhiệm vụ như chặt xác hoặc tuần tra khu vực rừng rậm xa xôi trong nhiều ngày liền. Nguy cơ bị lạm dụng tình dục cũng không tránh khỏi.
Nhìn chung, việc tuyển mộ trẻ em làm lính là sai trái nhưng phải thừa nhận có những vấn đề tiềm ẩn bên ngoài cuộc xung đột đang ảnh hưởng đến cuộc sống của giới trẻ Colombia đến mức các em sẵn sàng tình nguyện gia nhập những tổ chức vũ trang. Điều này khiến nạn bạo lực dần trở nên bình thường khi hoạt động phi pháp được chấp nhận như một phương tiện thoát khỏi đói nghèo. Thậm chí, nhiều thanh thiếu niên Colombia coi việc gia nhập các nhóm vũ trang là cách duy nhất để giành độc lập.
MAI QUYÊN (Theo Al Jazeera, Colombia Report)