TP Cần Thơ sau hợp nhất có không gian mở rộng với nhiều tài nguyên, hạ tầng cơ sở cho phát triển du lịch với vị thế mới. Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp du lịch, đó là cơ hội và cũng kèm theo thách thức cần vượt qua, để du lịch địa phương chuyển mình, bứt phá.
Góc nhìn từ các đơn vị lữ hành
Ông Trần Thanh Thái, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Nụ Cười Mê Kông, nhận định: “TP Cần Thơ mới có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Nhìn nhận từ góc độ lữ hành sẽ có 2 vấn đề cần được quan tâm, đó là: thị trường và sản phẩm du lịch”. Theo đó, thị trường rộng hơn trước và phân khúc, tệp khách hàng sẽ đa dạng hơn, buộc các công ty lữ hành phải cải tiến và đánh giá lại thị trường. Đồng thời, việc xây dựng sản phẩm du lịch và liên tuyến sản phẩm trở nên quan trọng.

Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ - đầu mối quan trọng trong phát triển du lịch vùng. Ảnh: KIỀU MAI
Ông Trần Thanh Thái cho biết: “Từ thực tế khảo sát, TP Cần Thơ có đa dạng các sản phẩm, trong đó nổi bật với văn hóa sông nước, chợ nổi Cái Răng, khám phá thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, biển và hệ sinh thái độc đáo Cù Lao Dung… Với các đặc trưng này thì sẽ dễ xây dựng hệ thống sản phẩm hơn và có nhiều trải nghiệm cho du khách khám phá. Nếu trước đây, Cần Thơ thường có hành trình 2 ngày 1 đêm thì nay có thể kéo dài 3-4 ngày, gia tăng thời gian lưu trú và chi phí”.
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cũng cho rằng: “Thị trường miền Tây luôn nằm trong tốp 5 thị trường trọng điểm của Vietravel, đóng góp lớn về doanh thu du lịch nội địa. Tuy nhiên, khi phân tích chi tiết giữa lượng khách và doanh thu, có thể thấy rằng giá trị tour và mức chi tiêu của du khách cho các hành trình khám phá miền Tây vẫn còn thấp, chưa phản ánh đúng tiềm năng và kỳ vọng phát triển của khu vực. Do đó khi TP Cần Thơ hợp nhất có thể tạo nhiều cơ hội khai thác sản phẩm liên tuyến dựa trên thế mạnh đặc trưng mỗi địa phương trước đó. Công tác nghiên cứu và xây dựng sản phẩm liên kết chuỗi giá trị, gia tăng trải nghiệm cho du khách sẽ thuận lợi hơn”.

Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng. Ảnh: KIỀU MAI
Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ, cho biết: “TP Cần Thơ có đa dạng cảnh quan sinh thái: sông nước miệt vườn, rừng ngập mặn, biển, cảng nước sâu… tạo điều kiện phát triển sản phẩm du lịch với nhiều trải nghiệm đa sắc. Chúng tôi cũng đã khảo sát, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch. Với sự đa dạng về tài nguyên sinh thái thiên nhiên và văn hóa trong không gian mới của TP Cần Thơ, các đơn vị lữ hành sẽ có nhiều cơ hội làm mới, nâng chất sản phẩm du lịch”.
Theo đó, Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ cũng đã nghiên cứu và xây dựng bộ sản phẩm mới: Xuôi dòng Mekong và Ngược dòng Mekong, dựa trên giá trị tài nguyên văn hóa bản địa và di sản nông nghiệp của Cần Thơ (cũ), Hậu Giang (cũ) và Sóc Trăng (cũ). “Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế. Khách đến từ miền Bắc và khách quốc tế đều muốn trải nghiệm những sản phẩm mới ở khu vực này và chúng tôi đã khảo sát, xây dựng sản phẩm mới từ sau Tết 2025. Điểm nhấn nổi bật của bộ sản phẩm này là yếu tố nước trong văn hóa đời sống của người dân miền Tây và hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ở Cù Lao Dung” - bà Nguyễn Thị Ngọc Sương nói thêm.
Có thể thấy, các đơn vị lữ hành chủ động thích ứng trong không gian mới. Trong đó, nhiều đơn vị đã sớm khảo sát và xây dựng sản phẩm du lịch mới.
Những trở ngại và đề xuất giải quyết
Ông Trần Thanh Thái, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Nụ Cười Mê Kông, cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát và nghiên cứu lại thị trường, các sản phẩm, trong đó đã xác định nhiều điểm đến đặc trưng nổi bật như Cù Lao Dung, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Đây là những điểm đến có màu sắc rất đặc trưng, tuy nhiên khó xây dựng sản phẩm hoàn thiện, bởi hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm này còn hạn chế, trong khi Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng rất khó tiếp cận trong khai thác du lịch. Chúng tôi đề xuất nên có các cơ chế tạo điều kiện cho các đơn vị du lịch có thể tiếp cận làm sản phẩm du lịch. Hiện TP Cần Thơ đã mở rộng không gian nên có quy hoạch về hệ thống sản phẩm, đầu tư cho du lịch cũng như hạ tầng cơ sở”.
Ông Trần Thanh Thái chỉ ra rằng, du lịch đường sông và biển là nét nổi bật của TP Cần Thơ mới. Trước đây, nếu khai thác các tuyến đi Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) thì các đơn vị phải làm việc với 3-4 tỉnh, thành thì sau hợp nhất cơ chế làm việc sẽ gọn hơn, nhất là hai địa phương TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều liên kết về phát triển du lịch.
Trong khi đó, ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Ido Travel Cần Thơ, nhận định để TP Cần Thơ phát huy tiềm năng du lịch trong không gian mới, cần chú trọng vào 4 vấn đề: Đầu tư các khu, điểm du lịch mang tầm quốc gia; Quy hoạch và phát triển các sản phẩm du lịch về đêm; Phát huy vai trò của hệ thống Cảng; Đầu tư cho du lịch xanh, bền vững.
Ông Trương Văn Vinh cho biết: “Du khách luôn có nhu cầu trải nghiệm về đêm tại các địa phương khi du lịch. Do vậy, chúng ta cần có những show diễn ổn định về văn hóa, phong tục tập quán Cần Thơ, đây cũng là cách để níu chân du khách, gia tăng mức chi tiêu. TP Cần Thơ nay có hệ thống Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Cảng biển Trần Đề, là cơ sở để kết nối và đón nhiều khách hơn, nhất là khách quốc tế. Trên thực tế, Cảng biển Trần Đề phù hợp để đón các du thuyền. Nhưng hiện nay, các cảng này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Cần Thơ nên có những hỗ trợ, giải pháp để hệ thống đầu mối giao thông này phát huy hiệu quả. Ngoài ra, địa phương cũng cần tạo điều kiện, có chính sách thu hút các nhà đầu tư về du lịch, xây dựng các khu điểm du lịch tầm cỡ”.
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho rằng: “Trong bối cảnh mới, chúng tôi cũng mạnh dạn đi tìm các sản phẩm để làm mới. Miền Tây có các sản phẩm đặc thù nổi bật là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo). Trong đó, MICE là sản phẩm có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng mức và còn nhiều dư địa để phát triển. Như vậy, chúng ta cần có những giải pháp làm sao nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Sản phẩm du lịch cần được đầu tư có chiều sâu và mang đến nhiều trải nghiệm, cảm xúc hơn”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ, cũng đề xuất: “Việc xây dựng sản phẩm du lịch cần được định vị lại. Làm mới trên nền tảng điểm cũ, lồng ghép trong đó là những câu chuyện, những chuỗi giá trị về chiều sâu văn hóa, con người, vùng đất để sản phẩm có tính nhận diện và mang nét đặc trưng riêng”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ, TP Cần Thơ mới được định hình là trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa, sông nước ĐBSCL. Thời gian qua, địa phương cũng nhận thấy những hạn chế, khó khăn của du lịch về hạ tầng, công tác xây dựng phát triển sản phẩm du lịch… Do đó, thành phố cũng định hướng quy hoạch làm sao để phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch, tập trung vào các loại hình du lịch sinh thái sông nước, MICE, nghiên cứu thêm du lịch sức khỏe. Đồng thời, địa phương cũng huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; khu vui chơi, giải trí quy mô, phức hợp; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch có chiều sâu, kết nối chuỗi giá trị sản phẩm du lịch, thu hút nhà đầu tư và du khách, đảm bảo sự phát triển bền vững, góp phần xây dựng TP Cần Thơ là trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.
ÁI LAM