Nước Mỹ sẽ chính thức bước vào cuộc bỏ phiếu bầu chọn vị tổng thống mới vào ngày 5-11. Ðây là một trong những sự kiện lớn quan trọng nhất của thế giới năm 2024, bởi nó luôn thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận Mỹ và quốc tế, nhất là do các khác biệt chính sách quá lớn của 2 ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và Dân chủ Kamala Harris giữa bối cảnh cạnh tranh địa chính trị toàn cầu diễn ra gay gắt, xung đột vũ trang ở Ukraine, Trung Ðông chưa có dấu hiệu chấm dứt, thậm chí trước nguy cơ lan rộng.
Hai ứng viên Kamala Harris - Donald Trump chuẩn bị bước vào ngày bầu cử 5-11. Ảnh: AFP
"Sức hút" của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay càng lớn sau khi nước này xảy ra vụ bạo loạn hậu bầu cử năm 2020 tại tòa nhà quốc hội Mỹ có liên quan đến "kẻ thua cuộc" Donald Trump, người từng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 dù nhận được ít hơn gần 3 triệu lá phiếu phổ thông so với đối thủ Hillary Clinton.
Giành nhiều phiếu phổ thông không chắc đắc cử
Tại Mỹ, khi cử tri đi bầu tổng thống, họ thấy tên của các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống trên lá phiếu. Tuy nhiên, thực chất họ đang bỏ phiếu cho một nhóm người - hay còn gọi là đại cử tri. Vì thế, một ứng cử viên trở thành tổng thống Mỹ phải giành được nhiều phiếu đại cử tri nhất. Thực tế, hệ thống bầu cử tổng thống Mỹ gồm 2 loại là phiếu bầu phổ thông và phiếu đại cử tri:
Phiếu bầu phổ thông: Là lá phiếu do tất cả cử tri Mỹ tham gia bầu cử bỏ phiếu. Tuy nhiên, việc kiểm phiếu và công bố kết quả bỏ phiếu được tiến hành dựa theo từng bang. Ứng cử viên giành đa số phiếu bầu phổ thông trên toàn quốc chưa chắc đã là người chiến thắng cuộc bầu cử. Minh chứng rõ ràng nhất là 2 cựu Tổng thống gần nhất của Ðảng Cộng hòa là George W. Bush và Donald Trump đã chiến thắng lần lượt vào các năm 2000 và 2016 dù thua phiếu phổ thông.
Phiếu đại cử tri: Sau khi việc kiểm phiếu phổ thông hoàn tất, các đại cử tri mới được lựa chọn dựa trên kết quả bầu phổ thông của mỗi bang. Các bang được phân bổ số lượng đại cử tri theo quy mô dân số và hầu hết áp dụng cơ chế là ứng viên thắng phiếu phổ thông ở bang nào sẽ được trao toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Do đó, ở hầu hết các bang (trừ Maine và Nebraska), ứng viên tổng thống nào giành được nhiều phiếu phổ thông nhất thì cũng nhận được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Ðây được coi là quy tắc "người chiến thắng được tất cả" hay "người thắng lấy hết".
Các đời tổng thống Mỹ. Ảnh: Amazon.com
Các đại cử tri (Elector) hợp thành đại cử tri đoàn (Electoral College) của bang. Cả nước Mỹ có 538 phiếu đại cử tri, bằng số ghế trong Quốc hội lưỡng viện Mỹ là 535 cộng thêm 3 đại cử tri của thủ đô Washington. Ứng viên nào giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri, tức là trên 50% trong số 538 phiếu, sẽ đắc cử tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, tính đến năm 2020, chỉ có 33/50 bang có luật lệ đòi hỏi đại cử tri phải bỏ phiếu tuân thủ theo kết quả của phiếu phổ thông. Do đó, đã có một số trường hợp đại cử tri bỏ phiếu bầu khác với kết quả phiếu bầu phổ thông của bang họ đại diện, dù những trường hợp như vậy hiếm khi xảy ra. Vào năm 2016, có 7 trong số 538 đại cử tri đã không bỏ phiếu cho người thắng phiếu phổ thông ở tiểu bang
của họ.
Các bang chiến trường và điều hy hữu có thể xảy ra
Bang dao động, bang chiến trường hoặc chiến địa là cụm từ được dùng để chỉ bất kỳ bang nào mà ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa đều có cơ hội giành chiến thắng. Những bang này thường là mục tiêu của các chiến dịch vận động tranh cử. Trong khi đó, các bang thường xuyên nghiêng về một đảng duy nhất được gọi là các bang an toàn.
Trong cuộc bầu cử tổng thống 2024, có 7 bang chiến địa gồm Bắc Carolina (16 phiếu đại cử tri), Georgia (16 phiếu đại cử tri), Pennsylvania (19 phiếu), Wisconsin (10 phiếu), Arizona (11 phiếu), Michigan (15 phiếu) và Nevada (6 phiếu).
Pennsylvania có số phiếu đại cử tri cao hơn bất cứ bang chiến trường nào khác được dự đoán có thể quyết định kết quả bầu cử. Năm 2016, ông Trump thắng sít sao ứng viên Dân chủ Hillary Clinton ở Pennsylvania. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử 2020, Tổng thống Joe Biden đã lật ngược tình thế.
Hầu hết các cuộc thăm dò ở Pennsylvania đều cho thấy khoảng cách sít sao giữa 2 ứng viên, khiến kết quả ở bang này rất khó đoán. Con đường dẫn đến chiến thắng rõ ràng nhất của bà Harris là giành chiến thắng ở 3 bang chiến trường thuộc "Vành đai Rỉ sét" gồm Michigan, Wisconsin và Pennsylvania - nơi được coi là "chiến trường thực sự trong chiến trường", bất kể kết quả ở các bang "Vành đai Mặt trời" là Georgia, North Carolina và Arizona như thế nào. Trong khi con đường hiệu quả nhất của ông Trump để giành tối thiểu 270 phiếu đại cử tri là giành chiến thắng ở các bang North Carolina, Georgia, Pennsylvania.
Trong trường hợp cả 2 ứng viên cùng đạt 269 phiếu đại cử tri, Tu chính án thứ 12 trong Hiến pháp Mỹ sẽ được kích hoạt, trong đó quy định hạ viện lựa chọn tổng thống, còn thượng viện chọn phó tổng thống. Trong lịch sử bầu cử Mỹ, trường hợp này mới xảy ra 2 lần vào năm 1800 và năm 1824. Dù lịch sử đã lùi xa, nhưng giới chuyên gia cho rằng việc ông Trump và bà Harris năm nay cùng đạt 269 phiếu không phải bất khả thi.
Nếu kịch bản hy hữu trên xảy ra, hạ viện Mỹ khóa mới trong cuộc họp ngày 6-1-2025 sẽ "bầu cử theo nghị sĩ đoàn" để quyết định ai là người đắc cử. Thay vì bỏ phiếu với tư cách là 435 nghị sĩ riêng lẻ, nghị sĩ đoàn của một bang chỉ có một phiếu, đồng nghĩa hạ viện có tổng cộng 50 phiếu bầu tổng thống. Ứng viên nhận ít nhất 26 phiếu nghị sĩ đoàn sẽ đắc cử.
Ngày bầu cử "sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11"
Không giống như hầu hết các quốc gia tổ chức bầu cử vào Chủ nhật của bất kỳ tháng nào trong năm, luật pháp Mỹ quy định bầu cử tổng thống diễn ra 4 năm một lần, vào năm chẵn và "trong ngày thứ Ba sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11".
Lý do ngày bầu cử được chỉ định là "Thứ Ba sau Thứ Hai đầu tiên của tháng 11" để tránh rơi vào ngày 1 tháng 11, ngày được coi là bất lợi vì nhiều người theo đạo Thiên chúa coi đó là Ngày Lễ Các Thánh. Ngoài ra, các thương gia thường chọn ngày đầu tiên của tháng mới để thanh toán sổ sách cho tháng trước.
Ngày bầu cử thường được nhắc tới là cuộc đua vào Nhà Trắng, song trên thực tế đây là ngày tổng tuyển cử vừa chọn tổng thống Mỹ vừa bầu quốc hội gồm toàn bộ 435 hạ nghị sĩ có nhiệm kỳ 2 năm và 1/3 thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm. Ngoài ra, tùy theo yêu cầu của từng bang mà trên lá phiếu của cử tri sẽ còn có những câu hỏi khác như bầu thống đốc bang, bầu cơ quan lập pháp và các chức vụ dân cử của bang hay trưng cầu dân ý về một số vấn đề được đưa ra.
Trong giai đoạn lịch sử từ năm 1788-2020, nước Mỹ đã trải qua 59 cuộc bầu cử tổng thống và nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm Joe Biden là vị tổng thống thứ 46 của xứ cờ hoa. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thứ 60 diễn ra ngày 5-11 là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của nước này, do viễn cảnh mà 2 ứng cử viên đặt ra cho Mỹ và thế giới hoàn toàn trái ngược nhau. Vì thế, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này được cho sẽ không chỉ định hình tương lai của nước Mỹ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến trật tự thế giới và các liên minh chiến lược hiện nay.
ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)