Theo các chuyên gia, với nguồn tài nguyên dồi dào, lợi thế sản xuất và xuất khẩu nông sản, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm Halal (những sản phẩm “được cho phép”, “hợp pháp” để sử dụng theo Luật Hồi giáo) toàn cầu. Trong đó, việc tăng cường hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để các bên có liên quan kết nối thúc đẩy hệ sinh thái Halal phát triển mạnh mẽ. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường cho sản phẩm, dịch vụ Halal của Việt Nam, đóng góp nhiều hơn vào kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Sản phẩm của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã được chứng nhận Halal.
Nhiều tiềm năng
Thị trường Halal toàn cầu có quy mô, tiềm năng lớn và đa dạng về lĩnh vực. Số lượng tín đồ hồi giáo năm 2024 có trên 2 tỉ người, chiếm gần 25% dân số thế giới và dự báo sẽ đạt khoảng 2,8 tỉ người vào năm 2050. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu được dự báo đạt 10.000 tỉ USD trước năm 2028. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp các châu lục trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để xây dựng và phát triển ngành Halal thành một bộ phận quan trọng, ngành công nghiệp mới của nền kinh tế, tham gia sâu, hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu dựa trên lợi thế về sản xuất, xuất khẩu và phát triển các ngành nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may...; thị trường rộng mở với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết… Mặt khác, Việt Nam có các chính sách, chiến lược, cơ sở pháp lý quan trọng về Halal được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy xây dựng và triển khai. Cụ thể, ngày 14-2-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Ðề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”; ngày 24-4-2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố quyết định thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT), giúp thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng nhận Halal và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cấp giấy chứng nhận Halal tại Việt Nam...
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Ðạt, cho biết: Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp thế giới, từ các nước hồi giáo đến phi hồi giáo, từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển. Nhằm góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình thông qua việc phục vụ khách du lịch từ Trung Ðông và các quốc gia hồi giáo, thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ động xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về Halal. Ðơn cử như tiêu chuẩn về thực phẩm Halal, về sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và giết mổ động vật theo Halal; tiêu chuẩn quốc gia “TCVN 14230:2024 Dịch vụ du lịch thân thiện với người hồi giáo - Các yêu cầu để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch hồi giáo thăm quan, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị tại Việt Nam”…
Tận dụng cơ hội vàng
Theo ông Yousif S.AlHarbi, Phó Chủ tịch Trung tâm Halal Saudi Arabia, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia (SFDA), việc thành lập và ra mắt Trung tâm HALCERT là một cột mốc quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế Halal toàn cầu. Mặc dù các tiêu chuẩn Halal có thể tương đối mới đối với Việt Nam, nhưng các giá trị cốt lõi của thực phẩm Halal là sự tinh khiết, tính nhân văn và tôn trọng thiên nhiên. Những giá trị này rất gần gũi với lối “ăn sạch, sống khỏe” của người Việt. Sự phù hợp và tương đồng như vậy sẽ mang đến cho Việt Nam một cơ hội tuyệt vời để tích hợp các nguyên tắc Halal và mở rộng các sản phẩm của mình trên thị trường toàn cầu.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn Halal không chỉ phục vụ nhu cầu của cộng đồng hồi giáo mà còn thu hút được một đối tượng người tiêu dùng toàn cầu đánh giá cao tính minh bạch, tính nhân văn và bảo vệ môi trường. Vì vậy, theo ông Huỳnh Thành Ðạt, thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác quốc tế để xây dựng một hệ sinh thái Halal bền vững. Hệ sinh thái này được tạo lập từ việc tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, đến nâng cao năng lực chứng nhận Halal của Việt Nam, nhằm bảo đảm các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam đạt chuẩn các tiêu chuẩn quốc tế. Bộ KH&CN cũng mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các nước bạn, các đối tác quốc tế để cùng chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng cơ hội hợp tác và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Halal.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Halal toàn quốc với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Ðây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội nghị Halal toàn quốc, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm phát triển ngành Halal, tận dụng lợi thế sẵn có và tăng cường hợp tác quốc tế để tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Việc tham gia hiệu quả, bài bản vào thị trường Halal toàn cầu sẽ giúp Việt Nam khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước... Thủ tướng cũng nhấn mạnh 5 ý nghĩa quan trọng và mang tính nhân văn sâu sắc khi tham gia vào thị trường Halal toàn cầu. Ðó là: kết nối con người Việt Nam với con người các nước thế giới, bao gồm con người các nước hồi giáo; kết nối Việt Nam với thế giới thông quan sản phẩm Halal; kết nối kinh tế Việt Nam với kinh tế toàn cầu; kết nối văn hóa Việt Nam với văn hóa các nước đạo hồi, nhất là văn hóa ẩm thực; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal ở Việt Nam mạnh mẽ, toàn diện, chuyên nghiệp, bao trùm hơn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bài, ảnh: MỸ THANH