Những năm qua, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh Bắc Long An (tỉnh Tây Ninh), hàng nghìn hộ nông dân tại các xã vùng biên giới của tỉnh đã có thêm điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế khu vực.
* Khơi dòng vốn phát triển "tam nông"
Với đặc thù của địa bàn vùng biên vừa phát triển công nghiệp, vừa phát triển nông nghiệp và kinh tế cửa khẩu, Agribank Chi nhánh Bắc Long An luôn chủ động bám sát định hướng phát triển kinh tế của tỉnh và chỉ đạo của trụ sở chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khu vực để điều chỉnh hoạt động tín dụng phù hợp, góp phần phát triển bền vững khu vực biên giới. Đặc biệt, Chi nhánh luôn quan tâm tập trung vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tốt chính sách "tam nông" và duy trì các khách hàng truyền thống.
Gia đình anh anh Lương Văn Nghiệp ở xã Đông Thành có 1ha đất sản xuất. Tuy nhiên trước đây do thiếu vốn, nên anh chỉ trồng lúa, thu nhập không cao. Từ ngày vay được nguồn vốn từ Agribank, anh mạnh dạn triển khai mô hình sản xuất VAC (vườn - ao - chuồng). Trên 800m2 mặt ao của gia đình, anh thả nuôi cá rô đầu vuông. Mỗi năm thu hoạch được 3 vụ, lời được 70-80 triệu đồng. Trên diện tích đất trồng lúa trước kia, nay anh trồng cỏ nuôi bò. Hiện nay, trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có 5 con bò nái và một số bê con. Ngoài ra anh Nghiệp còn nuôi thêm gà, vịt, ếch... và nhận làm đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi. Kinh tế của gia đình nhờ vậy mà rất ổn định.

Mô hình nuôi cá rô đầu vuông của anh Lương Văn Nghiệp cho thu nhập ổn định nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn của Agribank.
Gia đình anh Hồ Hoàng Thuận ở xã Bình Thành, tỉnh Tây Ninh hiện có 5 công chanh đang cho trái. Ngoài trồng chanh, gia đình anh Thuận còn canh tác 1,5ha lúa và thu mua, bao tiêu lúa cho nông dân trong vùng mỗi khi vào vụ thu hoạch. Ngoài ra, từ ngày con lộ Tuần tra biên giới Việt Nam - Campuchia được xây dựng và hoàn thành, vợ chồng anh Thuận mở thêm quán bán tạp hóa và nước giải khát phục vụ khách đi đường. Nhờ có nhiều nguồn thu nhập, nên kinh tế gia đình anh Thuận hiện nay rất vững chắc.

Anh Hồ Hoàng Thuận (bìa trái) giới thiệu khu vực trồng chanh của gia đình.
Một trong những nguyên nhân giúp gia đình anh phát triển nhanh và có của ăn của để như hôm nay, đó là nhờ xuyên suốt hơn 6 năm qua, vợ chồng anh được tiếp cận nguồn vốn của Agribank. Từ suất vay vài chục triệu ban đầu, nhờ gia đình anh Thuận luôn giữ chữ tín với ngân hàng, nên hiện nay đã được cấp hạn mức cho vay lên đến 3 tỉ đồng. Nếu như hồi năm 1998, vợ chồng anh từ Bến Tre về đây lập nghiệp chỉ có đôi bàn tay trắng, thì nay tổng diện tích đất, vườn của gia đình đã lên đến 5ha. Điều đáng quý là không chỉ biết làm giàu cho gia đình, vợ chồng anh Thuận còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, nhất là vào mùa thu hoạch nông sản, giúp mọi người có cuộc sống ổn định tại vùng biên giới này.

Anh Nguyễn Văn Sang (bìa trái) đầu tư trại nuôi bò vỗ béo quy mô lớn.
Dù có lợi thế lớn khi được cha mẹ giao cho 10ha đất canh tác gần 10 năm trước, gia đình anh Nguyễn Văn Sang ở xã Mỹ Quý vẫn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu vốn đầu tư khiến anh cứ loay hoay với việc trồng dừa, lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ, làm cho nguồn thu nhập luôn trong tình trạng bấp bênh.
Từ khi được giới thiệu và tiếp cận nguồn vốn từ Agribank, anh Sang đã mạnh dạn chuyển một phần đất trồng xen cỏ và đầu tư xây trại nuôi bò vỗ béo. Mỗi con bò, sau 3 tháng nuôi sẽ thu lời được 3-4 triệu đồng. Với quy mô nuôi 300 con/đợt, tính ra mỗi năm anh lãi ròng gần 4 tỉ đồng. Hiện nay, nguồn bò thịt nhập từ Thái Lan bị gián đoạn, nên giá bò nội địa tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg, do vậy những người làm nghề chăn nuôi bò ở địa phương rất phấn khởi vì tiền lời được nhiều hơn.
Khi nói về kết quả ngọt ngào từ mô hình kinh tế của gia đình, người dân ở đây đều rất cảm kích trước sự quan tâm, tạo điều kiện về vốn của Agribank. Không chỉ có ý nghĩa về vật chất, đây còn là động lực về tinh thần, giúp người dân an tâm lao động sản xuất tại chỗ, góp phần giữ gìn, bảo vệ vùng biên của tổ quốc.
* Phát huy nền tảng vững chắc
Thành công của Agribank Chi nhánh Bắc Long An không chỉ đo bằng những con số, mà còn được khẳng định qua những câu chuyện làm giàu thực tế của người dân được tiếp cận nguồn vốn. Thời gian qua, Chi nhánh chủ động hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, đảm bảo nguồn vốn huy động tăng trưởng ổn định, giữ vững vị thế dẫn đầu về thị phần trong hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn. Cơ cấu vốn được điều chỉnh hợp lý, chi phí đầu vào được tiết giảm, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Cán bộ tín dụng Agribank tham quan mô hình và tư vấn về các chương trình tín dụng đến nông hộ.
Năm 2024, Agribank Chi nhánh Bắc Long An bám sát chỉ đạo của Agribank và NHNN khu vực 13, đồng thời gắn hoạt động tín dụng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến cuối năm 2024, Agribank Chi nhánh Bắc Long An đứng thứ 6 về quy mô dư nợ trong khu vực Tây Nam Bộ, với tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,38% trên tổng dư nợ cho vay. Mạng lưới hạ tầng ngân hàng tự động gồm 9 máy CDM, 18 máy ATM, 104 máy POS và 91 điểm chấp nhận thẻ đã đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch không dùng tiền mặt của khách hàng.
Song song đó, Chi nhánh đặc biệt chú trọng chất lượng tín dụng, áp dụng lãi suất ưu đãi, tăng cường chuyển đổi số, mở rộng các sản phẩm ngân hàng điện tử, mang đến dịch vụ tài chính chất lượng cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đến 30-6-2025, nguồn vốn huy động của Chi nhánh đạt 10.865 tỉ đồng (tăng trên 9% so với cuối năm 2024), đạt 92,1% kế hoạch tăng trưởng.
Hiện Agribank Chi nhánh Bắc Long An tiếp tục giữ vững thị phần, đứng đầu trong hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn. Tổng dư nợ đạt 18.992 tỉ đồng (tăng 9,5% so với cuối năm 2024), đạt 89,4% kế hoạch tăng trưởng. Nợ xấu chiếm 0,17%/tổng dư nợ cho vay (giảm 34,29 tỉ đồng so với đầu năm 2025), thấp hơn kế hoạch năm 2025 của Trụ sở chính giao 0,48% (Trụ sở chính giao 0,65%).
Bà Huỳnh Thị Kim Khanh, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Long An, cho biết: "Năm 2025, Chi nhánh phấn đấu nâng tổng nguồn vốn huy động đạt gần 11.000 tỉ đồng, tổng dư nợ đạt gần 19.200 tỉ đồng, thu dịch vụ khoảng 54 tỉ đồng. Chúng tôi tiếp tục triển khai hiệu quả những chính sách tín dụng ưu đãi, đồng hành cùng các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài nhiệm vụ kinh doanh, Chi nhánh sẽ luôn gắn bó với các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, vừa lan tỏa hình ảnh Agribank - Ngân hàng vì cộng đồng".
MINH KHƯƠNG - MINH HUYỀN