Là công cụ quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro cho nông dân, nhưng Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) tại Việt Nam vẫn chưa thể phát triển tương xứng sau nhiều năm thực hiện. Nông dân chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của BHNN trong khi các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm vẫn còn e ngại do nghiệp vụ phức tạp, rủi ro cao, thiếu dữ liệu... Trước thực trạng này, việc tìm kiếm một hướng đi mới thông qua hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục và thí điểm các mô hình liên kết công - tư tại ÐBSCL để làm hình mẫu nhân rộng ra cả nước được xem là giải pháp cấp bách.

BHNN giúp cho nông dân bù đắp phần nào thiệt hại do rủi ro xảy ra trong quá trình canh tác. Trong ảnh: Nông dân tỉnh An Giang điều khiển máy bay không người lái để bón phân cho lúa.
Thiếu linh hoạt, chưa hấp dẫn
BHNN là một công cụ kinh tế - kỹ thuật quan trọng nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, tăng khả năng phục hồi của nông dân trước tác động của thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm triển khai theo Nghị định số 58/2018/NÐ-CP về BHNN, kết quả đạt được vẫn còn rất hạn chế, cả về quy mô lẫn mức độ lan tỏa.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng hợp báo cáo từ các địa phương, toàn quốc có chưa đến 17.000 hộ nông dân tham gia BHNN, doanh thu phí bảo hiểm chỉ đạt khoảng 6,9 tỉ đồng, chi trả bồi thường 198 triệu đồng. Quy mô hộ tham gia bảo hiểm giảm mạnh, từ hơn 16.000 hộ trong giai đoạn 2019-2021 giảm xuống còn 3.630 hộ kể từ năm 2022 đến nay. Các sản phẩm bảo hiểm cho thủy sản cùng một số cây trồng mới như cao su, cà phê, hồ tiêu… vẫn chưa thể triển khai trên thực tế, mặc dù đã được mở rộng trong quy định hiện hành. Nguyên nhân chủ yếu là các DN bảo hiểm còn e ngại, nghiệp vụ BHNN phức tạp, thiếu tính linh hoạt. Mô hình BHNN vẫn chưa được tích hợp chặt chẽ với tín dụng, chuỗi sản xuất hay công nghệ số.
Theo ông Lê Ðức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, các sản phẩm bảo hiểm cho thủy sản cùng một số cây trồng mới như cao su, cà phê, hồ tiêu… vẫn chưa thể triển khai trên thực tế, mặc dù đã được mở rộng trong quy định hiện hành. Nguyên nhân chủ yếu là các DN bảo hiểm còn e ngại: nghiệp vụ BHNN phức tạp, thiếu tính linh hoạt, chưa hấp dẫn nhà tái bảo hiểm quốc tế; đồng thời, vẫn tồn tại nhiều rào cản về dữ liệu, nhân lực và mạng lưới phục vụ trên địa bàn.
Thực tế trên phản ánh khoảng cách đáng kể giữa thiết kế chính sách và điều kiện triển khai. Các DN không đề xuất sản phẩm mới vì hiệu quả kinh tế thấp, rủi ro cao, thủ tục rườm rà và đặc biệt thiếu dữ liệu kỹ thuật cùng công cụ giám sát, xác nhận tổn thất. Hậu quả là từ năm 2022 tới nay, hầu như không có địa phương nào thực hiện sản phẩm BHNN, dù nhiều tỉnh, thành đã ban hành danh mục địa bàn và đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ. Những con số và thực trạng trên cho thấy chính sách hiện hành chưa đủ hấp dẫn, chưa đáp ứng kỳ vọng của cả bên cung cấp lẫn bên thụ hưởng. Mô hình BHNN vẫn chưa được tích hợp chặt chẽ với tín dụng, chuỗi sản xuất hay công nghệ số, các trụ cột thiết yếu để hình thành hệ sinh thái BHNN hiện đại, bền vững và hiệu quả.
Vai trò chính của BHNN là giúp giảm thiểu thiệt hại rủi ro. Ngành Nông nghiệp bị tác động mạnh mẽ bởi các yếu tố thiên tai lũ lụt hạn hán, bão, dịch bệnh, sâu bệnh và những biến động thị trường... Khi đó, BHNN giúp cho các tổ chức cá nhân bù đắp phần nào thiệt hại do rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế ở nhiều địa phương, nông dân chưa nhận thức đầy đủ về các rủi ro: thiên tai, dịch bệnh… nên chưa thật sự muốn tham gia BHNN. Một số nông dân có quan tâm nhưng chưa mạnh dạn tham gia bảo hiểm cũng như chưa có nhiều sản phẩm bảo hiểm để nông dân có thêm lựa chọn.
Theo ông Trần Minh Hiếu, đại diện Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hiện nay, chưa có nhiều DN bảo hiểm tham gia cung cấp dịch vụ do BHNN là nghiệp vụ phức tạp, rủi ro cao, phạm vi địa bàn trải rộng khắp cả nước, đòi hỏi DN bảo hiểm phải có năng lực tài chính lớn, đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và mạng lưới tiếp cận đến cơ sở. Bên cạnh đó, BHNN là sản phẩm mới, phức tạp, việc tổ chức thực hiện tại một số địa phương, cơ sở còn lúng túng, việc phê duyệt đối tượng được hỗ trợ còn chậm, chưa kịp thời. BHNN là sản phẩm mới nên người dân chưa tìm hiểu, chưa có thói quen tham gia bảo hiểm. DN bảo hiểm gặp khó khăn về nguồn dữ liệu. Số liệu thiên tai mới chỉ dừng lại ở số liệu chung toàn tỉnh, chưa có số chi tiết tới từng huyện, xã, gây khó khăn trong việc đánh giá rủi ro, xây dựng và định phí bảo hiểm.
Tháo gỡ những "điểm nghẽn"
Ðể mở rộng thị trường BHNN, các chuyên gia đề xuất cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58/2018/NÐ-CP để bảo đảm đồng bộ với Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) và phù hợp với thực tiễn phát triển của nông nghiệp hiện đại.
Theo ông Lê Ðức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, để tái khởi động và mở rộng thị trường BHNN, cần tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, rà soát, đơn giản hóa thủ tục, quy trình giám định và bồi thường, tạo điều kiện cho DN bảo hiểm chủ động thiết kế sản phẩm. Cần khuyến khích các DN bảo hiểm cùng đối tác tái bảo hiểm quốc tế xây dựng gói sản phẩm linh hoạt, dựa trên dữ liệu rủi ro và nhu cầu đặc thù của từng ngành hàng: lúa, thủy sản, cây công nghiệp...
Bên cạnh đó, theo ông Lê Ðức Thịnh, cần thí điểm các mô hình mới tại ÐBSCL thông qua hợp tác công - tư, quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở dữ liệu nông nghiệp số, chuẩn hóa quy trình canh tác và khung đo lường thiệt hại. Ðào tạo đội ngũ cán bộ địa phương, hợp tác xã và DN bảo hiểm về giám định tổn thất, đánh giá rủi ro và ứng dụng công nghệ giám sát từ xa. Cần kết nối Nhà nước, DN, tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành hàng, ngân hàng và nông dân để tích hợp bảo hiểm với tín dụng, sản xuất theo chuỗi và chuyển đổi số.
Theo ông Bùi Gia Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, BHNN không chỉ là công cụ tài chính đơn thuần mà còn là một trụ cột quan trọng giúp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp vững vàng hơn trong biến động rủi ro đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ phức tạp như hiện nay. Vì vậy, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về BHNN, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, DN tiếp cận thuận lợi. Cần quan tâm xây dựng các cơ sở dữ liệu thông tin chính xác về thị trường BHNN, bao gồm thông tin về thị trường, số liệu thực tế chi trả, số liệu tổn thất, thiên tai, dịch bệnh theo từng địa bàn, từng ngành hàng.
Ông Bùi Gia Anh cho rằng quan trọng là phải chỉ định một cơ quan, đơn vị quản lý cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu như vậy sẽ giúp cho các DN bảo hiểm yên tâm hơn trong vấn đề nghiên cứu, tham gia thị trường bảo hiểm. Cơ quan quản lý nhà nước cần kết hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm của ngành Nông nghiệp ở địa phương. BHNN có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng góp vào việc thực hiện chính sách của Nhà nước, tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó, cần có cơ chế phù hợp để phát huy thế mạnh của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, chính quyền địa phương để phát triển nông nghiệp. Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị để đề xuất Chính phủ có mục tiêu cụ thể, giải pháp chuyển biến mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực BHNN.