Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán. Trong đó, hoạt động thanh tra, kiểm toán được quy định cụ thể về công tác phát hiện, thẩm quyền, trách nhiệm xử lý vụ việc khi có dấu hiệu tham nhũng, xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán...
Thanh tra TP Cần Thơ công bố kết luận thanh tra về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố. Ảnh: CTV
Tháng 10-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Thuận, liên quan đến việc đấu thầu mua sắm thiết bị của Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC).
Theo đó, tháng 6-2024, Thanh tra tỉnh Bình Thuận có thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định về đấu thầu, mua sắm tài sản, trang thiết bị đối với các gói thầu do Công ty AIC trúng thầu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có các gói thầu của Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư. Kết luận thanh tra cho thấy, việc phê duyệt quyết định chỉ định thầu cho Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ HS thực hiện gói thầu tư vấn xây dựng chi tiết cấu hình kỹ thuật và lập dự toán chi phí thiết bị sau khi đã có kết quả thẩm định giá là không đúng, không thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu không đúng quy định… Ngoài ra, việc ký phụ lục hợp đồng thay đổi từ máy oxy cao áp (model HB- 301, hãng sản xuất Sambo Ventec, xuất xứ Hàn Quốc) sang máy oxy cao áp (model Saeboxy-153S (SB-153S), hãng sản xuất Saebo Energy, xuất xứ Hàn Quốc) không có tài liệu chứng minh việc hàng hóa được thay thế vẫn đáp ứng tất cả các yêu cầu về mặt kỹ thuật cũng như chất lượng, không lấy ý kiến của hội đồng khoa học, hội đồng mua sắm, chuyên gia; có dấu hiệu hợp thức quyết định số 64A/QĐ-BV ngày 20-2-2014 của Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng Bình Thuận về việc phê duyệt chỉ định thầu đơn vị tư vấn dịch vụ thẩm định giá. Khi Thanh tra tỉnh Bình Thuận kiểm tra thực tế, có một số thiết bị đã không tìm thấy thông tin số seri...
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Kiểm toán nhà nước ra quyết định thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng khi có căn cứ theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán nhà nước.
Trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng và xử lý như sau: trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp. Trong trường hợp này, Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước tiếp tục tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán về các nội dung khác theo kế hoạch tiến hành thanh tra, kế hoạch kiểm toán đã phê duyệt và ban hành kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về kiểm toán nhà nước. Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước đã kiến nghị.
Trường hợp sau khi kết thúc thanh tra, kiểm toán mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung thì trưởng đoàn thanh tra, trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành thanh tra, kiểm toán trước đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đoàn thanh tra, đoàn kiểm toán nếu đã phát hiện, báo cáo về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán không xử lý thì trưởng đoàn thanh tra, trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Hoàng Yến