24/10/2024 - 22:15

Mỹ cảnh báo vụ Triều Tiên đưa binh sĩ tới Nga 

Sau thông tin lính đặc nhiệm CHDCND Triều Tiên đang huấn luyện tại các căn cứ miền Viễn Ðông của Nga, giới chức cấp cao Mỹ cho biết Washington có thể cân nhắc “hành động quân sự trực tiếp” nếu Bình Nhưỡng đưa lực lượng trên tham chiến ở Ukraine.

Hình ảnh vệ tinh do NIS cung cấp được cho là binh sĩ Triều Tiên tại một cơ sở quân sự của Nga. Ảnh: NIS

Ngày 22-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết có bằng chứng về sự hiện diện của quân đội Triều Tiên trên đất Nga. Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) cũng xác nhận chứng cứ như vậy và đề nghị Hàn Quốc cử chuyên gia tới Brussels để trao đổi. Theo Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (NIS), Bình Nhưỡng đang hỗ trợ nhân lực cho Mát-xcơ-va với kế hoạch đưa 1.500 lính đặc nhiệm đến vùng Viễn Ðông tham gia huấn luyện chiến hào, cách sử dụng máy bay không người lái và nhiều thiết bị khác. Lần lượt các đợt chuyển quân diễn ra từ ngày 8 đến 13-10 và sẽ sớm có thêm nhiều đợt nữa với tổng số binh sĩ ước tính lên tới 12.000 người vào tháng 12. Ðể đáp trả, giới quan chức Hàn Quốc cho biết Seoul đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Sau thông tin trên, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói rằng có ít nhất 3.000 binh sĩ Triều Tiên đi tàu từ khu vực Wonsan nước này đến cảng Vladivostok của Nga từ đầu tháng 10. Binh lính tiếp tục di chuyển đến 3 địa điểm quân sự để huấn luyện, sau khi hoàn thành có thể được điều động tới miền Tây và gia nhập lực lượng Nga chống lại Ukraine. Tuy chưa biết chính xác quân đội Triều Tiên sẽ làm gì, nhưng lãnh đạo Lầu Năm Góc xác định đây là “bước tiếp theo” trong kế hoạch của Bình Nhưỡng sau khi cung cấp vũ khí cho Mát-xcơ-va. Tuần trước, tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên kể từ tháng 8-2023 đã gửi hơn 13.000 container pháo, tên lửa và các loại vũ khí thông thường tới Nga.

Theo các chuyên gia, Triều Tiên sở hữu một trong những đội quân thường trực lớn nhất thế giới với 1,2 triệu binh sĩ. Câu hỏi đặt ra là lực lượng này sẽ hỗ trợ Nga bao nhiêu khi chưa từng tham gia xung đột quy mô lớn kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Dù thế nào, Bộ trưởng Austin cho biết nếu Triều Tiên có động thái hỗ trợ trực tiếp như đưa quân tham chiến ở Ukraine, điều đó sẽ không chỉ tác động đến châu Âu mà còn cả khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. “Nếu đúng như vậy, đây sẽ là diễn biến nguy hiểm và đáng lo ngại” - đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood nói trước Hội đồng Bảo an. Diễn biến này cũng đánh dấu mối quan hệ quân sự sâu sắc giữa Mát-xcơ-va và Bình Nhưỡng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ký hiệp ước phòng thủ chung vào tháng 6, bao gồm điều khoản yêu cầu cả hai sử dụng “mọi phương tiện có sẵn” để bảo vệ lẫn nhau và hỗ trợ quân sự ngay lập tức trong trường hợp chiến tranh.

Nhà Trắng đã thông báo tình hình cho Ukraine, bao gồm các dự đoán ảnh hưởng và cách Washington có thể phản ứng. “Chúng tôi đang tham khảo ý kiến ​​các đồng minh và đối tác về tác động của những động thái quy mô lớn như vậy” - đại sứ Wood nói thêm. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Turner đề nghị chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhanh chóng làm rõ quân đội Triều Tiên tham chiến sẽ là “lằn ranh đỏ” với Washington. “Nếu quân đội Triều Tiên tiến vào lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine, Mỹ cần nghiêm túc cân nhắc có hành động quân sự trực tiếp để đối phó” - nhà lập pháp này để nghị. Hiện tại, thông tin về quân đội Triều Tiên ở Nga đang dấy lên lời kêu gọi Washington dỡ bỏ lệnh hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa. “Nếu quân đội Triều Tiên tấn công Ukraine từ lãnh thổ Nga, Kiev nên được phép sử dụng vũ khí của Mỹ để đáp trả” - ông Turner cho biết.

Cả Nga và Triều Tiên không xác nhận việc triển khai quân, nhưng Ðiện Kremlin khẳng định Mát-xcơ-va có quyền phát triển quan hệ hợp tác quân sự với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã bác bỏ các báo cáo liên quan, nói rằng ý kiến quân đội Triều Tiên đang ở Nga là hết sức “vô lý”. Bởi theo nhà lãnh đạo này, sự hiện diện của quân đội nước ngoài kể cả là Belarus đều thúc đẩy leo thang xung đột, thậm chí dẫn tới kịch bản binh sĩ NATO được triển khai tới Ukraine.

MAI QUYÊN (Theo Hill, France24)

Chia sẻ bài viết