Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã đến hồi quyết định nhưng ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và đối thủ phe Dân chủ Kamala Harris vẫn bám đuổi nhau quyết liệt ở các tiểu bang chiến trường.
Ông Trump và bà Harris trong buổi vận động tranh cử ngày 3-11. Ảnh: Reuters
Cục diện khó lường
Tổng hợp các cuộc thăm dò toàn quốc, nhà phân tích Nate Silver cho biết Phó Tổng thống Mỹ Harris đang dẫn trước ông Trump với tỷ lệ 48,5% so với 47,8%. Màn rượt đuổi sít sao lần nữa cho thấy cục diện bất định của mùa bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, đặc biệt khi chiến lược gia ở cả 2 đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều tin họ có thể thay đổi hướng đi của cuộc bầu cử.
Theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos, quan điểm của cử tri đối với cả 2 ứng viên tổng thống nhìn chung không lạc quan nhưng điều đó không ngăn cản họ đi bỏ phiếu. Báo cáo của Ðại học Florida cho biết có hơn 77,6 triệu người Mỹ đã thực hiện nghĩa vụ công dân trước ngày bầu cử 5-11, gần bằng một nửa trong tổng số 160 triệu phiếu bầu của kỳ bầu cử tổng thống năm 2020. Ðó cũng là năm tỷ lệ cử tri Mỹ đi bỏ phiếu đạt mức cao nhất trong hơn một thế kỷ.
Hiện cả ông Trump và bà Harris vẫn tiếp tục tăng cường nỗ lực thuyết phục nhóm cử tri chưa quyết định, đặc biệt ở các tiểu bang dao động. Theo tính toán của một số chuyên gia bầu cử phi đảng phái, Phó Tổng thống Harris cần giành 45 phiếu đại cử tri ở 7 tiểu bang chiến trường nếu muốn đắc cử trong khi ông Trump cần khoảng 51 phiếu mới có thể trở lại Nhà Trắng. Dựa vào dữ liệu tổng hợp kết quả thăm dò, nữ chính trị gia gốc Ấn Ðộ đang thể hiện sức mạnh ở Michigan và Wisconsin trong khi cựu Tổng thống Trump duy trì lợi thế ở Arizona và tiếp tục vượt lên trên ở Pennsylvania, Nevada, Bắc Carolina và Georgia. Nếu các cuộc thăm dò hiện tại là chính xác, FiveThirtyEigh dự báo cơ hội tỉ phú New York tái đắc cử là 53% với tỷ lệ phiếu đại cử tri 287-251.
Thông điệp trái ngược
Trong bối cảnh cuộc bầu cử bước vào giai đoạn quyết định, ông Trump và đối thủ Harris hôm 3-11 đã bắt đầu 48 giờ cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử nhằm “giành giật” sự ủng hộ của cử tri.
Trong bài phát biểu dài 90 phút tại cuộc vận động ở Lititz, bang Pennsylvania, ông Trump đã nhiều lần đề cập đến vấn đề gian lận bầu cử dù không có bằng chứng. Ông còn nhắc lại vụ ám sát hụt nhằm vào ông hồi tháng 7 tại Butler, đồng thời bày tỏ sự hoài nghi đối với giới truyền thông mà ông thường cáo buộc là đưa “tin tức giả”.
“Vào ngày tôi rời Nhà Trắng, chúng ta có đường biên giới an toàn nhất trong lịch sử đất nước. Thật sự lẽ ra tôi đã không nên rời đi, vì chúng tôi đã làm quá tốt”, ông Trump nói. Ông Trump cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi đã không thể làm tổng thống 2 nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời tuyên bố “đất nước này đầy ắp sự bất công và chúng tôi sẽ biến nó ngay thẳng trở lại”.
Trái ngược với ông Trump, Phó Tổng thống Harris có mặt tại một nhà thờ ở Detroit, bang Michigan, nơi bà kêu gọi “hãy cùng nhau mở ra chương mới trong lịch sử”. Bà nhấn mạnh hiện là thời điểm nước Mỹ phải vượt qua những những nỗ lực nhằm khoét sâu sự chia rẽ và gieo rắc thù địch để tập trung vào việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Bà nhấn mạnh: “Chiến dịch tranh cử của chúng tôi không nhằm chống lại ai, mà là nhằm đấu tranh vì một điều gì đó. Ðó là cuộc đấu tranh cho tự do, cơ hội và phẩm giá của toàn bộ người dân Mỹ. Chúng tôi đang có ưu thế vì chiến dịch của chúng tôi đánh vào tham vọng, khát vọng và ước mơ của người dân Mỹ. Vì chúng tôi lạc quan và hào hứng với những gì chúng ta có thể làm cùng nhau”. Bà cũng kêu gọi người dân Mỹ không bị lay động bởi những tuyên bố về gian lận bầu cử từ phía ông Trump.
Cùng với chiến dịch tranh cử tổng thống, cuộc đua giành quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ cũng căng thẳng không kém. Trong đó, đảng Cộng hòa được cho sẽ chiếm đa số tại Thượng viện nhưng đảng Dân chủ hiện có cơ hội ngang bằng để lật ngược thế đa số mong manh của đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
MAI QUYÊN (Theo Le Monde, Conversation)