29/10/2024 - 08:05

Mất ngủ có thể khiến não bộ già nua 

Mất ngủ hay ngủ không đủ giấc là tình trạng mà bất kỳ ai cũng có thể gặp vài lần trong đời, nhưng nếu diễn ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tổng thể. Ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy mối liên hệ giữa “giấc ngủ kém” với quá trình lão hóa bộ não nhanh hơn.

Người ngủ kém ngon giấc khi còn trẻ có thể lão hóa bộ não nhanh hơn và gặp các vấn đề về nhận thức khi về già. Ảnh: Filmstax

Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng ngủ đủ giấc giúp duy trì và cải thiện cơ chế tự làm sạch của bộ não, gọi là “hệ thống glymphatic”. Còn các rối loạn và gián đoạn giấc ngủ có thể góp phần gây ra các vấn đề về trí nhớ và nhận thức, dẫn đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn.

Mới đây, một nghiên cứu công bố trên Tạp chí y khoa Neurology của Viện Hàn lâm Thần kinh học Mỹ cho thấy những người gặp vấn đề về giấc ngủ (như khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ) ở giai đoạn đầu tuổi trung niên sẽ có nhiều dấu hiệu mắc các vấn đề về sức khỏe nhận thức hơn ở giai đoạn cuối tuổi trung niên.

Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia yêu cầu 589 tình nguyện viên có tuổi trung bình là 40 hoàn thành bảng câu hỏi đánh giá về thói quen ngủ và chất lượng giấc ngủ vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu và 5 năm sau đó. Dựa trên số lượng đặc điểm giấc ngủ kém, từng người được xếp vào 1 trong 3 nhóm, gồm “thấp”, “trung bình” và “cao”. Các đối tượng cũng được chụp ảnh não bộ 15 năm sau khi nghiên cứu bắt đầu để đánh giá mức độ teo nhỏ bộ não tương ứng với một độ tuổi cụ thể, cũng như sử dụng công nghệ máy học để xác định độ tuổi não bộ của từng người.

Những mẹo đơn giản để có giấc ngủ ngon

+ Tránh dùng thức uống chứa caffeine (như cà phê, trà) vào buổi chiều hoặc tối.

+ Tránh ăn quá nhiều và uống rượu trước giờ ngủ.

+ Thường xuyên tập ​​thể dục và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cho sức khỏe.

+ Tập thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

+ Giữ phòng ngủ luôn yên tĩnh và ở nhiệt độ mát mẻ.

+ Không sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân mắc chứng rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc chứng ngưng thở khi ngủ, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa về giấc ngủ để được điều trị kịp thời.

Nhóm nghiên cứu phát hiện nhiều đặc điểm giấc ngủ (bao gồm chất lượng giấc ngủ, việc thức dậy sớm vào buổi sáng, khó chợp mắt hoặc duy trì giấc ngủ) có liên quan đến quá trình lão hóa não nhanh hơn, đặc biệt là khi một người liên tục gặp phải những vấn đề về giấc ngủ trong vòng 5 năm. So với nhóm có số lượng đặc điểm giấc ngủ kém ở mức “thấp”, nhóm “trung bình” và nhóm “cao” có độ tuổi não bộ trung bình già hơn tương ứng lần lượt là 1,6 tuổi và 2,6 tuổi.

Còn theo một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Neurology, những người bị gián đoạn giấc ngủ ở độ tuổi 30 và 40 có nhiều khả năng gặp các vấn đề về trí nhớ và nhận thức sau này.

Các chuyên gia đã phân tích thói quen ngủ và thời lượng ngủ của 526 người, tuổi trung bình là 40, tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu và được theo dõi trong 11 năm. Người tham gia đeo máy theo dõi trên cổ tay trong 3 ngày liên tiếp. Họ còn tự báo cáo thời gian đi ngủ và thức dậy trong nhật ký giấc ngủ, hoàn thành khảo sát chất lượng giấc ngủ và nhận được “điểm” chất lượng giấc ngủ từ 0-21 (điểm cao hơn cho thấy chất lượng giấc ngủ tốt hơn). Ngoài ra, người tham gia cũng hoàn thành một loạt bài kiểm tra về trí nhớ và tư duy.

Sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ (độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn…), các nhà nghiên cứu nhận thấy so với những người có giấc ngủ bị gián đoạn ít nhất, những người có giấc ngủ bị gián đoạn nhiều nhất có khả năng gặp các vấn đề về hiệu suất nhận thức cao gấp đôi khi lớn tuổi.

AN NHIÊN
(Theo MedicalNewsToday, Yahoo Finance)

Chia sẻ bài viết