Khi chuẩn mực xã hội về cấu trúc gia đình tại Hàn Quốc dần thay đổi, ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi về việc bổ sung các hình thái gia đình mới vào khuôn khổ pháp lý hiện hành.
Ngày càng nhiều người đồng giới Hàn Quốc chung sống như một gia đình. Ảnh: Yonhap
Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc Statistics Korea, số hộ gia đình mà các thành viên không có quan hệ huyết thống ở nước này đạt 550.000 vào năm 2023, tăng mạnh so với con số 214.000 hồi năm 2015. Statistics Korea dự đoán con số này sẽ tăng lên 800.000 vào năm 2050. Trước đó, số lượng cá nhân trong các cấu trúc gia đình phi truyền thống này đã vượt quá 1 triệu người vào năm 2021.
Ngược lại, mô hình gia đình truyền thống (gồm cha mẹ và con cái) đang giảm, giữa lúc số hộ gia đình 1 người tăng mạnh. Tỷ lệ hộ gia đình 4 người dự kiến sẽ giảm từ 14,1% năm 2022 xuống còn 6,7% vào năm 2052.
Được biết, Đạo luật Dân sự của Hàn Quốc hiện giới hạn định nghĩa pháp lý về “gia đình” chỉ dành cho các cặp vợ chồng đã kết hôn, người có quan hệ huyết thống và trường hợp nhận con nuôi. Điều này nghĩa là các gia đình phi truyền thống (bao gồm các cặp đôi dị tính đang chung sống, những cá nhân sống với bạn bè, những người lớn tuổi sống cùng nhau sau khi mất vợ/chồng hoặc các cặp đôi đồng giới) nằm ngoài định nghĩa pháp lý về gia đình.
Vì vậy, thành viên của những cấu trúc gia đình phi truyền thống đang bị coi là “người lạ” trong các văn bản chính phủ và phải chịu nhiều thiệt thòi trong các lĩnh vực như chính sách nhà ở, thuế, bảo hiểm y tế và quyền thừa kế. Hơn nữa, những người chung sống trong các gia đình kiểu này cũng không thể ký tên đồng ý dùng phương pháp điều trị cho nhau khi trong các trường hợp y tế khẩn cấp.
Nhu cầu thay đổi từ dư luận
Gần đây, khái niệm gia đình trong dư luận xứ kim chi đang thay đổi. Như trong một khảo sát do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc thực hiện hồi năm 2020, 70% số người được hỏi đồng ý rằng “việc cùng chia sẻ sinh kế và không gian sống tạo nên một gia đình, bất kể tình trạng hôn nhân hay quan hệ huyết thống ra sao”. Dữ liệu của chính phủ nước này cũng cho thấy sự gia tăng các cặp đôi chung sống mà không qua kết hôn. Thực tế đó phản ánh xu hướng chung của người dân là coi hôn nhân không phải là điều kiện tiên quyết để hình thành mối quan hệ gia đình.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều lời kêu gọi về việc thực thi các biện pháp chính thức để thành viên trong các gia đình phi truyền thống được đưa vào khuôn khổ pháp lý. Một nghiên cứu năm 2023 của nhà nghiên cứu Byun Soo-jeong tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc chỉ ra rằng hệ thống pháp luật của nước này đã tụt hậu so với quan điểm xã hội đang phát triển về gia đình.
Tháng 4-2023, nghị sĩ Yong Hye-in cùng 10 nhà lập pháp khác đã lần đầu tiên đề xuất Đạo luật Quan hệ Đối tác Trọn đời tại Quốc hội khóa 21. Tuy nhiên, tại cuộc họp của Ủy ban Lập pháp và Tư pháp 2 tháng sau đó, dự luật lại không nhận được sự đồng thuận. Một nguyên nhân là các nhà lập pháp bảo thủ cho rằng nó sẽ mở đường cho hôn nhân đồng giới và làm giảm tỷ lệ kết hôn tại Hàn Quốc, quốc gia có tỷ lệ kết hôn giảm 40% trong vòng một thập niên và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
NGUYỆT CÁT (Theo Korea Times)