03/11/2024 - 18:16

Tấm lòng Maymoulna 

50 năm trước, Maymoulna, 23 tuổi, đã nổi tiếng với những mẫu thêu tinh tế, độc đáo trong cộng đồng Chăm tỉnh An Giang. Năm 2017, Maymoulna là một trong 10 nữ doanh nhân tiêu biểu do Mạng lưới Doanh nhân Nữ ASEAN (AWEN) tại thủ đô Manila (Philippines) bình chọn.

Cô gái chăn cừu

Maymoulna là tên tộc của bà Nguyễn Thị Kim Chi, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thêu may Kim Chi, người dân tộc Chăm (An Giang) duy nhất trong số 100 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu được VCCI bình chọn năm 2006. Bây giờ, uống trà với bà Nguyễn Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp Hội doanh nhân An Giang, giống như một cuộn phim đang tua lại. "Khi cả nhà rời làng Chăm theo ông nội về Long Xuyên học chữ, ông dặn: Học hành hòa nhập với mọi người thì sau này đừng quên cội nguồn của mình", bà Kim Chi nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi luôn gắn bó các sinh hoạt doanh nghiệp.

Làng Chăm, sau năm 1975, không còn cảnh con gái tới tuổi dậy thì phải tuân thủ luật Ga-sâm (cấm cung), nhưng từ nuôi cừu bán lấy tiền đi học tới giảng dạy đại học (kinh tế nông nghiệp), rồi mở cơ sở thêu may xuất khẩu để hỗ trợ cộng đồng yếu thế và trở thành nghệ nhân ưu tú như bà - thật hiếm hoi. Thuở nhỏ, gia đình đã dạy cách làm ra tiền từ chăn nuôi cừu nên "cô bé chăn cừu" Maymoulna lớn lên, lập Cơ sở thêu may xuất khẩu Long Xuyên, khởi sự kinh doanh với 280.000 đồng tiền vốn (tương đương với 1,5 chỉ vàng) đâu có gì là lạ. "Lạ ở chỗ vốn liếng rất ít, lại ở trong căn nhà lá 45m2, nghèo khó và hôn nhân gãy gánh. Vậy mà cũng có 15 người thợ đầu tiên bước vào cơ sở, lớn gan hơn tôi nhiều", bà Chi cười hiền nói.

Ngược lại, cơ sở nhỏ nhưng ngay từ đầu đã định hướng xuất khẩu. Làm ăn với công ty nước ngoài - lúc đó, có thể thấy thị trường nhưng dù sản phẩm của mình được ưa chuộng cũng phải nói đó là của họ. Đặt hàng nhiều hơn - thanh toán sòng phẳng nhưng như vậy là không công bằng - cả bà Kim Chi và những người thợ đều là những người đã "leo lên lưng cọp", không thể khác hơn được nữa. Điều không công bằng ấy đôi khi lại là kích thích tố cho nghị lực của một cô gái chăn cừu, chờ cho đàn cừu lớn lên - bà Kim Chi tự nhủ.

"Năm 1992, cứ cần mẫn nghiên cứu kỹ thuật thêu và làm nhiều mẫu mã, tôi nhận được Giải Nhất trong phong trào thi đua sản xuất tiểu - thủ công nghiệp của tỉnh An Giang, phần thưởng là 6 chỉ vàng - giá trị lắm vì lúc đó đang rất khó khăn về tài chính, nhưng tôi vẫn cất giữ kỷ vật đánh dấu sự thành công cho đến bây giờ", bà Kim Chi nói: "Cùng năm đó, Công ty Benchi ở Đức và Công ty Caraco của Pháp tìm đến cơ sở. Bất ngờ hơn với những mẫu thêu mũi chữ thập hai mặt phải, tinh xảo, hoa văn phong phú nên cả hai công ty này đều đặt hàng".

Thường xuyên thức trắng để thiết kế mẫu tới 3 giờ khuya, vừa chợp mắt đã 6 giờ sáng - phải lo liệu mọi thứ và làm việc cùng những người thợ. Cần mẫn và kham khổ, năm 2002, bà Kim Chi tham gia Hội chợ quốc tế vải sợi tại Đức và sau đó 6 hội chợ quốc tế tại 3 nước Trung Quốc, Anh, Đức. Mỗi lần như vậy chi phí khoảng 100 triệu đồng... Làm chủ là vậy đó! Nhưng thế giới đã biết chính mình làm ra món hàng này.

Tấm lòng thiện nguyện

Năm 2004, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Liên bang Đức tại TP Hồ Chí Minh tiếp chuyện với bà; họ muốn giúp đỡ HTX trong hoạt động xã hội. "Nhận 2.000 Euro, tương đương với 37 triệu đồng lúc bấy giờ là số tiền lớn lắm, tôi quyết định sắm máy móc thiết bị dạy học. Lớp đầu tiên tại Búng Bình Thiên (huyện An Phú) cho 30 phụ nữ Chăm, hy vọng sau này làng nghề thêu rua có thể tạo dấu ấn tại khu du lịch Nhơn Hội - Búng Bình Thiên và lớp đáng nhớ dành cho 40 em khuyết tật của 2 trường trẻ em khuyết tật An Giang và Đồng Tháp. "Hạnh phúc lớn nhất của tôi là giúp các em tự hào bởi dù có tàn nhưng không phế. Khi một em khuyết tật bập bẹ làm ra sản phẩm xuất khẩu, được tiền nói "cảm ơn cô" - nghe nó nói mà ứa nước mắt", người phụ nữ duy nhất của tỉnh An Giang nhận Cúp Thánh Gióng doanh nhân tiêu biểu toàn quốc năm nào kể lại.

Thấm thoát, 17 năm liên tục đào tạo miễn phí gần 4.000 lao động, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Chủ nhiệm HTX Thêu may Kim Chi được Nhà nước cấp bằng độc quyền sáng chế, Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ 20 năm với phương pháp thêu mũi chữ thập hai mặt phải. Với công lao đó, cùng 21 giải thưởng, 58 bằng khen cá nhân và nhiều danh hiệu để đời, bà Kim Chi được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng Ba… Năm 2016, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

HTX có 100 lao động tại chỗ và hàng ngàn lao động gia công bên ngoài có việc làm sau khi học các lớp miễn phí. Có người là lao động nông thôn, có người là cô giáo tìm việc làm thêm, người khuyết tật; thậm chí phạm nhân ra tù nhưng không có nghề... "Nhìn ánh mắt cười, hạnh phúc hiện trên từng khuôn mặt khi những người thợ đón nhận đồng tiền do chính tay mình làm ra; không phí công tôi học nghề thêu tới mức lương công chức 64.000 đồng, muốn học một mũi thêu phải trả 2.000 đồng. Không còn tiền thì phải thỏa thuận đổi những ngón nhà nghề của mình cho người khác để học những mũi thêu mới", Nghệ nhân Ưu tú Kim Chi nói.

Những ngày học hỏi - tìm ra kỹ thuật thêu riêng là những ngày lặn lội theo xe đò lên tới Tây Ninh, về Sài Gòn để tìm gặp người quản lý, nghe tư vấn kỹ thuật, làm quen thiết kế mẫu mã… Tháng 5-2013 nhờ nhận được giải thưởng từ cuộc thi "Doanh nhân nữ Mekong" trị giá 2.000 USD do Tổ chức Tư vấn các thị trường mới nổi - EMC - với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, bà đã dành trọn số tiền để mở lớp dạy nghề thêu miễn phí cho lao động vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc các huyện An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Long Xuyên.

Đã có lúc nghèo khó, thiếu thốn tới mức thèm một trứng vịt lộn, Maymoulna - bà mẹ mang thai con so - còn lần lựa khi mua; đã có lúc dự cuộc họp tôn vinh doanh nhân mà nhân viên lễ tân nói chị là trưởng đoàn nhưng hôm nay người nhận hoa toàn là nam, lọt một chị phụ nữ vô coi kỳ… Một Maymoulna ẩn nhẫn im lặng nhìn sự đời. Vị đắng chỉ khiến bà có thêm nhiều mơ ước cho phụ nữ, không chỉ người ở làng Chăm mà cả cho những chị em thuộc dân tộc thiểu số.

Ý tưởng không gian công cộng

Làng Chăm An Giang, nếu ở Khu sinh thái Jiao Hary (thuộc khóm Hà Bao 2, thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) - có những thánh đường Hồi giáo Islam tuyệt đẹp, tương tự nhiều điểm khác có không gian công cộng và những món ngon như tung lò mò, bánh pây-krah (bánh nghệ), bánh ha-nàm-căn, bánh sây-kya, bánh thon-dót (bánh giọt nước), bánh ha-sa-ka-da, bánh ha-nùm-kel, bánh khoa-vạt, bánh ha-phùm (bánh bông lan Chăm)… cơm nị, cà ri dê/bò, cơm nị, cà púa, khù ghình… thực ra tất cả chỉ là phần nổi của tảng băng.

Nơi dệt thổ cẩm của ông Mohamad.

"Gần đây, có một đoàn khách, đa số là lớp trẻ từ Trung Đông sang, họ được hướng dẫn từ Sài Gòn, có người là sinh viên. Họ tìm hiểu nét văn hóa Islam và nguồn lực cộng đồng khi kết nối thị trường dệt may, thời trang…", ông Mohamad (ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) tự tin nói thổ cẩm Châu Giang truyền thống, trong đó, lụa là, những chiếc khăn mat'ra làm bằng tơ và thêu những họa tiết tinh xảo có sức hút với lớp trẻ. "Chúng tôi cũng xoay chuyển khi hòa nhập, ngày xưa Tết Roya Haji mới có những món như (Tung lamaow), bây giờ ngày thường cũng có để chào bán cho du khách, ông Salếch (Hứa Hoàng Vũ) chủ cơ sở sản xuất kinh doanh lạp xưởng bò Anas (Tổ 7, ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong, TX Tân Châu, tỉnh An Giang), nói.

Nhiều người kết thân với ông Salếch đưa bà con tới nhà, cả gia đình dành thời gian tiếp khách. Tất cả đều mặc trang phục Chăm, cùng trò chuyện về lễ giáo, trải nghiệm món ngon. Các con ông hiểu Thánh địa Makkah (Mecca) tại vùng đồng bằng Tihamah thuộc Saudi Arabia điểm thu hút hàng triệu tín đồ đến tham dự Hajj và Umrah, mang đậm ý nghĩa tâm linh và lịch sử Hồi giáo.

Nhiều người động viên bà Maymoulna - Kim Chi lập Dự án phát triển không gian công cộng mang đậm sắc thái văn hóa người Chăm Islam, không chỉ thu hút nguồn lực vào việc phát huy tiềm năng địa phương (Châu Giang, Châu Phong, Phũm Soài thuộc thị xã Tân Châu; xóm Đa Phước, La Ma, Đồng Kô Ki, Nhơn Hội thuộc huyện An Phú; xóm Khánh Hòa thuộc huyện Châu Phú và xóm Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành) mà còn thu hút doanh nhân từ nơi khác đến hợp tác đầu tư phát triển làng nghề, nhà máy sản xuất kinh doanh, hình thành trung tâm kết nối sản xuất kinh doanh sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal…

"Tôi đã thay đổi nhiều khi nhìn ra thế giới rộng lớn hơn cách làm một dự án gắn các lễ hội, có những người am hiểu nghi thức tôn giáo gắn tín ngưỡng, nhịp thị trường và gắn kết thương nhân đồng đạo ở các nước Hồi giáo, nhưng có vẻ như những ước muốn và sự mô tả chưa để thuyết phục khi mọi người chỉ nghĩ tới quản lý du lịch. Cái gì dễ thấy ở một nơi có 15.000 người Hồi giáo, sinh hoạt tôn giáo tại 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường sẽ dễ hiểu hơn là những gì đang diễn ra ở nơi khác", bà nói.

Không thể tin được những tỉnh, những doanh nghiệp ít lợi thế hơn ở Tây Nguyên lại mạnh dạn thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác du lịch, tìm kiếm đối tác phát triển đa mục tiêu hướng tới thị trường Halal. Trong khi đó, mỗi năm, lưu lượng khách hành hương về Lễ hội Vía Bà, An Giang và các sinh hoạt tín ngưỡng trong năm không dưới 4-5 triệu lượt người. An Giang - nơi duy nhất ở ĐBSCL có lợi thế hiểu biết về văn hóa, giáo luật và những cơ hội kết nối nguồn lực, kêu gọi đầu tư, phát triển thị trường Halal (mãi lực thị trường Hồi Giáo hơn 3.600 tỉ USD/năm) lại bỏ quên lợi thế cộng sinh tiếp cận thị trường mới mà 12 tỉnh còn lại của ĐBSCL - muốn cũng không nơi nào có được!

Bài, ảnh: CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết