11/07/2025 - 06:48

Mỹ “ve vãn” các nhà lãnh đạo châu Phi 

Tổng thống Donald Trump đang mời lãnh đạo của 5 nước Tây Phi đến dự Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày tại Washington, một phần trong nỗ lực tăng cường “cơ hội thương mại” giữa Mỹ và các quốc gia châu Phi.

Tổng thống Trump thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Phi vào ngày 9-7. Ảnh: Getty Images

Ngày 9-7, ông Trump đã dùng bữa trưa và thảo luận với các nhà lãnh đạo Senegal, Liberia, Guinea-Bissau, Mauritania và Gabon tại Nhà Trắng. Phát biểu tại cuộc gặp, ông ca ngợi khu vực này có tiềm năng kinh tế lớn và những vùng đất rất giá trị, giàu khoáng sản và các mỏ dầu lớn. Đáp lại, các nhà lãnh đạo châu Phi đánh giá cao khả năng lãnh đạo của ông Trump, với một số người đề nghị đề cử chủ nhân Nhà Trắng cho giải Nobel Hòa bình.

Tuy nhiên, ông Trump gây bất ngờ khi không mời các nhân tố lớn của châu lục có hơn 50 quốc gia này. Nigeria, Nam Phi, Ai Cập và Ethiopia - những nền kinh tế lớn nhất khu vực và là đồng minh lâu năm của Mỹ - đã vắng mặt. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ mối quan hệ ngày càng thân thiết của Nigeria với Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).

Thách thức quyền tiếp cận của Trung Quốc

Christopher Afoke Isike, giáo sư về chính trị châu Phi và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Pretoria (Nam Phi), mô tả những vị khách được ông Trump lựa chọn kỹ lưỡng cho Hội nghị thượng đỉnh ở Washington là “những trái cây chín mọng” trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga tại châu Phi.

Theo Isike, hầu hết các cường quốc ở châu Phi đều là thành viên chủ chốt của BRICS hoặc đang muốn gia nhập khối với tư cách là đối tác chính. Năm quốc gia dự Hội nghị thượng đỉnh không nằm trong nhóm này, do vậy họ là “những trái cây chín mọng”.

Mặc dù là những nền kinh tế nhỏ, Gabon, Guinea-Bissau, Mauritania, Senegal và Liberia lại giàu tài nguyên khoáng sản, bao gồm dầu khí, vàng, quặng sắt và các nguyên tố đất hiếm. Chính quyền ông Trump đang tìm cách thách thức quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng trong khu vực. 

Tháng rồi, Mỹ đã làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình giữa CHDC Congo và Rwanda, động thái được xem như bước khởi đầu cho một văn kiện về khoáng sản đất hiếm. Ông Trump nói thỏa thuận này cho phép Mỹ có “nhiều quyền khai thác khoáng sản” từ Congo.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi trong tuần này có thể sẽ nối tiếp chủ đề đó, khi Washington nhắm đến các nguồn tài nguyên quan trọng như mangan và uranium của Gabon. Tại Nhà Trắng, Tổng thống Gabon Brice Oligui Nguema đã khuyến khích Mỹ hợp tác phát triển nguồn tài nguyên của nước này.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, Chính phủ Liberia mô tả sự kiện này là cơ hội để tập trung vào “các cơ hội kinh tế và thương mại hơn là từ thiện và viện trợ”. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Liberia chao đảo trước việc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) bị xóa sổ. Viện trợ của Mỹ cho Liberia chiếm tới 2,6% tổng thu nhập quốc dân của nước này, tỷ lệ cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Theo giới phân tích, bằng cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh này và gắn kết ngoại giao với quan hệ đối tác thương mại, chính quyền ông Trump đang tìm cách vừa thúc đẩy thương mại và đầu tư của Mỹ vừa tái khẳng định sự hiện diện chiến lược trong một khu vực mà ảnh hưởng của Washington đang bị bào mòn.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Mỹ lo ngại về sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Phi, đặc biệt là thông tin Bắc Kinh đang thăm dò các vị trí xây cảng dọc bờ biển Tây Phi để sử dụng cho mục đích quân sự. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của châu Phi, trong khi mở rộng hiện diện quân sự tại “lục địa đen”.

Gabon đã ký kết các thỏa thuận đầu tư trị giá hơn 4,3 tỉ USD với Trung Quốc và Bắc Kinh cũng xây dựng tuyến đường cao tốc duy nhất ở Guinea-Bissau. Ngoài ra, Trung Quốc đang giúp châu lục này giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ bằng cách tuyên bố sẽ ngừng áp thuế nhập khẩu đối với phần lớn các đối tác châu Phi.

Ngược lại, Mỹ thu hẹp đáng kể sự hiện diện hoặc bị đẩy khỏi vùng Sahel, nơi binh sĩ nước này đã hỗ trợ các nhiệm vụ chống khủng bố trong gần 2 thập niên. Kể từ năm 2020, các chính quyền quân sự ở Burkina Faso, Mali và Niger đã trục xuất các lực lượng phương Tây và quay sang tìm kiếm sự hỗ trợ an ninh từ Nga.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, NPR)

Chia sẻ bài viết