10/07/2025 - 11:39

Phát triển, định vị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông thôn 

Ngày 1-11-2021, UBND TP Cần Thơ (cũ) ban hành Quyết định số 3032/QÐ-UBND phê duyệt chương trình Phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ đến năm 2030. Xác định nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ có nhiều sản phẩm, dịch vụ tiềm năng phát triển và khẳng định vị thế ở cả trong nước và quốc tế, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ đã triển khai nhiều dự án, đề tài, nhiệm vụ KH&CN về xây dựng, phát triển và bảo hộ tài sản trí tuệ liên quan đến lĩnh vực này và ghi nhận nhiều kết quả bước đầu.


Nhãn hiệu tập thể Du lịch cộng đồng Cồn Sơn đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ.

 

Kết quả bước đầu

Thời gian qua, các dự án, đề tài, nhiệm vụ của Sở KH&CN triển khai tập trung nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ khai thác và phát triển tài sản trí tuệ các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu của địa phương có thể kể đến như tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu; xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Cồn Sơn; Xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP; phát triển thương hiệu mãng cầu Thới Hưng; chuyển đổi số trong xây dựng và phát triển thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực...

Theo bà Lê Nguyễn Trung Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN Cần Thơ, đại diện Ban Chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN “Xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Cồn Sơn”, cho biết: Cồn Sơn từ lâu được biết đến là một điển hình thành công của mô hình du lịch cộng đồng do chính người dân tự tổ chức và phát triển. Mỗi năm, Cồn Sơn đón hơn 80.000 lượt khách và mức độ quan tâm của du khách vẫn không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển và hội nhập, mô hình du lịch Cồn Sơn đang đối mặt với không ít thách thức và một trong số đó là việc thiếu một công cụ nền tảng, mang tính pháp lý trong quản lý, nhận diện thương hiệu tập thể để cộng đồng khai thác và phát triển một cách thống nhất.

Trước thực tiễn đó, theo bà Lê Nguyễn Trung Khanh, việc xây dựng và đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Du lịch cộng đồng Cồn Sơn” trở thành một yêu cầu cấp thiết. Nhiệm vụ KH&CN “Xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Cồn Sơn” hướng đến mục tiêu không chỉ tạo ra một công cụ pháp lý để bảo vệ uy tín, mà còn là nền tảng để khẳng định giá trị thương hiệu, củng cố năng lực cạnh tranh và thiết lập một cơ chế quản lý, giám sát hiệu quả”.

Thực hiện từ đầu năm 2023, dự án “Xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP năm 2022-2025” do ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ, làm chủ nhiệm đang tập trung hoàn thành các nội dung: khảo sát, điều tra số liệu 4 nhóm đối tượng (chủ thể OCOP, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, người tiêu dùng); xây dựng giá trị tài sản trí tuệ cho Chương trình OCOP TP Cần Thơ (xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho Chương trình OCOP TP Cần Thơ và xây dựng hệ thống nhận diện riêng cho chủ thể tham gia Chương trình OCOP TP Cần Thơ). Theo đó, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu cho 4 chủ thể, hỗ trợ đăng ký 6 mã vạch, hỗ trợ thiết kế bao bì cho 6 chủ thể và in 6.000 bao bì, hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP được cấp mã truy xuất nguồn gốc…

Chuyển đổi số hiện nay là xu hướng tất yếu và là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự án “Chuyển đổi số trong xây dựng và phát triển thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn TP Cần Thơ” nhằm xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm, hàng hóa chủ lực, hàng hóa trọng điểm. Trong đó chú trọng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm hàng hóa đã được công nhận xếp hạng OCOP; sản phẩm đã được xác nhận cung ứng thực phẩm an toàn, các sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ… để triển khai truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Cần thêm trợ lực

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, việc xây dựng và phát triển thương hiệu trở thành một yếu tố then chốt đối với sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông thôn. Xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương, sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông thôn không chỉ là cách nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, mà còn là cầu nối đưa tinh hoa văn hóa vùng miền đến gần hơn với cộng đồng trong nước và quốc tế. Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu ở các địa phương vẫn chưa được quan tâm nhiều đến chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản.

Theo TS Nguyễn Quốc Nghi, Giảng viên Trường Kinh tế, Trường Ðại học Cần Thơ, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thường nghĩ rằng, khi nào có nhiều tiền mới làm thương hiệu; kinh doanh quy mô nhỏ không cần làm thương hiệu; tập trung bán hàng trước, xây dựng thương hiệu sau… Nhưng đây là quan điểm sai lầm và mang lại nhiều mối nguy tiềm ẩn.

TS Nguyễn Quốc Nghi lưu ý, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức cần tuân thủ 6 nguyên tắc truyền thông cho thương hiệu đặc sản thông qua xây dựng thông điệp truyền thông: đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ; chân thật, uy tín, đáng tin cậy; hấp dẫn, bắt mắt; liên quan chủ đề, tác động hành vi; phù hợp văn hóa, phong tục, tín ngưỡng; tác động cảm xúc, tâm lý đối tượng.

Bà Lê Nguyễn Trung Khanh, cho biết: Ðơn vị chủ trì cùng nhóm thực hiện nhiệm vụ, Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và cùng nhau xây dựng dự thảo bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể Du lịch cộng đồng Cồn Sơn. Mới đây, tại hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể Du lịch cộng đồng Cồn Sơn”, các đại biểu tập trung trao đổi, thống nhất ý kiến về các nội dung: thống nhất đơn vị chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể với đề xuất là Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn; danh mục các sản phẩm, dịch vụ; mẫu thiết kế nhãn hiệu sao cho vừa đảm bảo tính phân biệt, vừa thể hiện được bản sắc văn hóa, sinh thái và giá trị cộng đồng của Cồn Sơn. Ðồng thời, hoàn thiện dự thảo Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu - văn bản pháp lý nền tảng để đảm bảo việc khai thác nhãn hiệu một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả; thống nhất Bản đồ khu vực địa lý - yêu cầu bắt buộc để khoanh vùng bảo hộ và làm cơ sở cho công tác quản lý sau này.

Trong bối cảnh hiện nay, sự tiếp sức từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo động lực, nền tảng để sản phẩm nông nghiệp, nông thôn định vị thương hiệu. Sở KH&CN TP Cần Thơ tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HÐND ngày 8-7-2022 của HÐND thành phố quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ như sau. Theo đó, hỗ trợ trong nước: 30 triệu đồng/đơn đăng ký bảo hộ đối với sáng chế và giống cây trồng mới; 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Hỗ trợ ngoài nước: 60 triệu đồng/đơn đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới.

Việc hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước như trên được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm thúc đẩy bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố và nâng cao khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông thôn của thành phố.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết