Nhật Bản - một trong những nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường này, doanh nghiệp cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược, năng lực, hiểu biết văn hóa cũng như nắm bắt được xu thế tiêu dùng của người dân bản địa.
Thị trường tiềm năng
Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu nông lâm, thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 6%/năm trong 10 năm qua. Quốc gia này chiếm gần 7% kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đạt hơn 4 tỉ USD năm 2024. Sản phẩm nông, thủy sản có nhu cầu cao tại Nhật Bản gồm: thủy hải sản (tôm, cá tra, cá basa); cà phê rang xay, hòa tan; gạo thơm đóng gói (gạo Japonica, ST25, ST24). Ngoài ra, các loại rau củ quả tươi và chế biến, trong đó các loại trái cây tươi như vải, xoài, thanh long, nhãn đã được người tiêu dùng tại Nhật Bản ủng hộ, ưa chuộng.

Nông thủy sản, thực phẩm, đồ uống có lợi cho sức khỏe... là những sản phẩm được thị trường Nhật Bản ưa chuộng.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết: “Năm 2024, sản lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam tăng gấp gần 10 lần năm 2023. Và chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, gạo nhập khẩu đã vượt tổng sản lượng nhập khẩu cả năm 2024 và sản lượng xuất khẩu sang Nhật Bản đang tiếp tục tăng lên. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều sản phẩm Việt như hạt điều, gạo thơm, trái cây sấy… đã có mặt tại chuỗi AEON, Don Quijote, Ito Yokado - hệ thống hơn 5.000 điểm bán lẻ trên khắp Nhật Bản”.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại mang lại nhiều kết quả. Đơn cử, tháng 3-2025, Thương vụ tổ chức khu gian hàng Việt Nam tại Nhật Bản qua đó kết nối các nhà nhập khẩu lớn. Tháng 6-2025, tham gia Lễ hội Việt Nam tại Tokyo, trưng bày vải tươi, cà phê, nước uống hoa quả, kết hợp đoàn doanh nghiệp từ Cục Xúc tiến thương mại sang giao thương. Ngoài ra, Tuần hàng Việt Nam tại AEON được hỗ trợ tổ chức xuyên suốt, giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng thực tế.
Ngoài hoạt động xúc tiến thương mại, theo các chuyên gia, cơ hội thâm nhập thị trường Nhật Bản còn rộng mở nếu doanh nghiệp tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, RCEP… Đây là chìa khóa để doanh nghiệp tạo lợi thế rõ rệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Nắm bắt thị hiếu tiêu dùng
Bên cạnh tiềm năng, cơ hội mở ra, thị trường Nhật Bản đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe: hồ sơ đầy đủ, chứng nhận an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Global GAP, HACCP… Quá trình này đòi hỏi doanh nghiệp phải mất thời gian khá dài từ 6-12 tháng để hoàn thiện hồ sơ tiêu chuẩn Nhật Bản. Mặt khác, Nhật Bản có chính sách bảo hộ nội địa mạnh và đòi hỏi tiến độ giao hàng nghiêm ngặt, trên 95% nhà nhập khẩu Nhật Bản đánh giá cao tính đúng giờ, coi đó là yếu tố quyết định giữ hợp đồng. Ngoài việc tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu đặt ra từ nhà nhập khẩu Nhật Bản, doanh nghiệp còn phải chịu sự cạnh tranh với các nước cũng có các FTA với Nhật Bản.
Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt cần xây dựng định hướng, kế hoạch kinh doanh bài bản, dài hạn đối với thị trường Nhật Bản. Ông Tạ Đức Minh, lưu ý: Khi xuất hàng hóa sang thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cấp quy trình sản xuất, công nghệ, cách thức quản lý, tiêu chuẩn lao động, điều kiện nhà xưởng để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, xã hội và môi trường đặt ra cho các sản phẩm và dịch vụ tại thị trường này. Qua đó, góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp mình; giảm phụ thuộc vào xuất khẩu thô.
Chẳng hạn, theo ông Tạ Đức Minh, đối với mặt hàng nông, thủy sản cần chú trọng nâng cấp công nghệ chế biến, kiểm soát chất lượng; bao gói đủ thông tin (có tiếng Nhật), đơn giản, tinh tế phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản… Đặc biệt đối với các sản phẩm mang tính mùa vụ, sản phẩm cần yêu cầu bảo quản đặc biệt. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu việc bảo quản sau thu hoạch để sản phẩm tới tay người tiêu dùng Nhật Bản vẫn đảm bảo được hình thức, chất lượng, thời gian sử dụng.
Các ngành tiềm năng tại Nhật Bản là các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp; công nghệ sạch và phát triển bền vững; giải pháp công nghệ cho dân số già; thực phẩm, đồ uống có lợi cho sức khỏe… Do đó, cần tận dụng hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng về xúc tiến thương mại. Trong đó, cần quan tâm tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế tổ chức tại Nhật Bản, bởi đây là cơ hội tốt nhất để giới thiệu sản phẩm, hàng hóa tới các đối tác tiềm năng.
Với nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ kết nối doanh nghiệp tại thị trường Nhật Bản, theo bà Trần Thị Khanh, người sáng lập Công ty CP liên kết Việt Nhật - VIJA Link, có 4 lý do doanh nghiệp Việt thất bại khi vào thị trường Nhật. Thứ nhất, do thiếu sự chuẩn bị về văn hóa - tư duy - quy chuẩn - con người - tài chính. Thứ hai, tư duy ngắn hạn, muốn “chốt đơn nhanh”. Thứ ba, giao tiếp không đúng, có thể là do dịch sai hoặc không hiểu ý “ẩn sau lời nói”. Thứ tư, không có người làm “cầu nối” và đồng hành.
“Do đó, để tiếp cận tốt thị trường này, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường, phân khúc khách hàng, mục tiêu, sản phẩm, chuẩn bị tài liệu chuyên nghiệp, website hướng tới khách hàng Nhật. Đồng thời, tận dụng các mạng lưới hỗ trợ từ Chính phủ, các chuyên gia cầu nối thông thạo thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, chúng ta nên bản địa hóa sản phẩm, điều chỉnh bao bì, thiết kế, hướng dẫn theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Đó là tối giản nhưng độc đáo, chân thực và tinh tế, đồng thời phải phối hợp các yếu tố truyền thống, đổi mới và tiện dụng” - bà Trần Thị Khanh chia sẻ kinh nghiệm.
Bài, ảnh: MỸ THANH