02/11/2024 - 07:33

Phóng ICBM mới, Triều Tiên gửi thông điệp tới Mỹ? 

Ngày 1-11, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này đã phô trương sức mạnh quân sự bằng vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-19 sử dụng nhiên liệu rắn mới. Màn thị uy này nhằm tăng cường vị thế đàm phán của Triều Tiên, bất kể ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5-11 tới.

ICBM Hwasong-19 của Triều Tiên rời bệ phóng hôm 31-10. Ảnh: AP

Vụ phóng phá kỷ lục

KCNA xác nhận dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, CHDCND Triều Tiên ngày 31-10 đã tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa “quan trọng” tạo ra một dấu mốc trong việc “duy trì ưu thế tuyệt đối” của lực lượng vũ trang nước này. Bình Nhưỡng nêu rõ tên lửa Hwasong-19 đã bay qua 1.000km ở độ cao tối đa 7.687km và bay trong 5.156 giây. Ðây là “hành động quân sự thích hợp gửi đến các đối thủ vốn gần đây có ý định leo thang căng thẳng khu vực và đe dọa an ninh của chúng ta”, KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đánh giá vụ phóng này có thời gian bay dài nhất trong số các tên lửa của Triều Tiên, khi tên lửa duy trì trong không trung tới 86 phút và đạt độ cao hơn 7.000km. Ðây cũng có thể là vụ phóng tên lửa có thời gian bay dài nhất thế giới. Tên lửa Hwasong-19 đã di chuyển được quãng đường 1.000km trước khi rơi xuống vị trí cách đảo Okushiri của Nhật Bản khoảng 200km về phía Tây, nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Ðến nay, tất cả các ICBM của Triều Tiên đều được thử nghiệm theo quỹ đạo thẳng đứng, nghĩa là hướng lên chứ không phải hướng ra ngoài. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cảnh báo tên lửa mới này có khả năng vượt tầm bắn 15.000km nếu được phóng theo quỹ đạo thông thường, tương tự tên lửa Hwasong-18.

KCNA ca ngợi Hwasong-19 là “tên lửa chiến lược mạnh nhất thế giới”. Tên lửa này sẽ được triển khai cùng với Hwasong-18 mà lần đầu tiên được phóng vào cuối năm ngoái và cũng sử dụng nhiên liệu rắn.

Tên lửa nhiên liệu rắn không cần tiếp nhiên liệu trước khi phóng, thường dễ vận hành và an toàn hơn, trong khi yêu cầu hỗ trợ hậu cần ít hơn, khiến nó khó bị phát hiện hơn so với vũ khí nhiên liệu lỏng.

Thông điệp gửi tới Washington

Giới phân tích suy đoán rằng Triều Tiên đã tính toán thời điểm phóng thử Hwasong-19 như một phản ứng trước cáo buộc gần đây của Mỹ và Hàn Quốc về việc nước này đang gửi hàng ngàn binh sĩ đến Nga để giúp chống lại Ukraine.

Những tên lửa như thế này có tầm bắn tối thiểu 5.500km và chủ yếu được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, qua đó cho phép Triều Tiên đe dọa Mỹ. Yang Moo-jin, Chủ tịch Ðại học Nghiên cứu về Triều Tiên tại Hàn Quốc, nói rằng thời gian và độ cao trong vụ thử Hwasong-19 cho thấy Triều Tiên “đã cố gắng đánh giá xem liệu một ICBM mang nhiều đầu đạn hạng nặng thực sự có thể vươn tới Mỹ đại lục hay không”.

Các chuyên gia nhận định rằng bằng cách phô trương sức mạnh quân sự, Bình Nhưỡng đang gửi một thông điệp rõ ràng tới Washington. “Thông qua vụ thử nghiệm thành công một nhiệm vụ nhiên liệu rắn, Triều Tiên có thể tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ bằng ICBM vào các lãnh thổ Mỹ mà không cần cảnh báo trước. Nỗ lực này nhằm mục đích tăng cường sức mạnh đàm phán của Triều Tiên, bất kể ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới”, Kim Ki-ho, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Ðại học Seoul Christian, nói với hãng tin AFP.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định việc Triều Tiên thử nghiệm ICBM mới sau gần 1 sau năm cho thấy Bình Nhưỡng muốn gây sự chú ý đến dư luận Mỹ trước ngày bầu cử, qua đó cảnh báo sự lựa chọn của họ có thể tác động tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng có thể muốn gửi thông điệp tới Mỹ rằng “về bản chất, liên minh Triều Tiên - Nga là một liên minh hạt nhân”.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết