11/04/2025 - 21:26

Dịch vụ “giúp nghỉ việc” gia tăng ở Nhật Bản 

Với nhiều người lao động Nhật Bản, nộp đơn xin nghỉ việc gần giống như gia nhập một cuộc chiến khi phải đối mặt sức ép từ các chuẩn mực làm việc cứng nhắc. Thực trạng này dẫn tới sự ra đời của dịch vụ khá khác thường, đó là tư vấn giúp khách hàng nghỉ việc khi họ cảm thấy quá sợ hãi để tự mình làm như vậy.

Văn hóa làm việc quá sức thường được coi là lý do khiến người dân Nhật cân nhắc nên sinh con hay không. Ảnh: CNA

Yuujin Watanabe, 24 tuổi, hiện là nhân viên công ty tư vấn nghỉ việc Momuri thành lập năm 2022. Nhiệm vụ của anh là hỗ trợ khách hàng gặp khó trong quá trình xin nghỉ việc. Dưới sự trói buộc của các chuẩn mực đạo đức làm việc, nhiều người nói rằng đơn xin nghỉ việc của họ thường bị bỏ qua thậm chí bị xé bỏ. Cũng có không ít trường hợp người lao động “đầu hàng” và buộc phải ở lại trước sức ép của cấp trên cùng đồng nghiệp.

Chia sẻ thêm, Watanabe cho biết khi anh và đồng nghiệp liên hệ với các công ty về vấn đề xin nghỉ việc của khách hàng, họ thường phải nghe lời lẽ chỉ trích gay gắt thậm chí gần như bị lăng mạ. Những tình huống đó nếu đổi lại là người lao động, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt tinh thần.

Văn hóa làm việc quá sức

Sự hiện diện của các công ty hỗ trợ nghỉ việc như Momuri gia tăng từ năm 2017. Sau đại dịch COVID-19, thị trường tiếp tục bùng nổ khi nhu cầu đối với các công ty môi giới nghỉ việc tăng đột biến. “Lúc đầu, mỗi tháng chúng tôi chỉ nhận được vài chục yêu cầu. Nhưng giờ đây, chúng tôi nhận được hơn 1.800 yêu cầu/tháng” - người sáng lập Momuri Shinji Tanimoto cho biết.

Thực tế này bộc lộ mặt tối trong văn hóa làm việc của Nhật Bản khi môi trường lao động vận hành dựa trên hệ thống phân cấp cứng nhắc, trong đó các ông chủ được trao quyền lực không cân xứng với nhân viên. Ngược lại, người lao động bị trói buộc với cái gọi là đạo đức nghề nghiệp bắt nguồn từ sự bùng nổ kinh tế sau chiến tranh, phải chấp nhận làm việc lâu hơn số giờ quy định nhưng không có lương.

Theo nghiên cứu của Gallup năm ngoái, chỉ 6% lực lượng lao động Nhật Bản cảm thấy gắn bó với công việc. Đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất thế giới và sự thất vọng này được phản ánh qua năng suất lao động của đất nước mặt trời mọc. Theo dữ liệu, năng suất lao động trung bình của lao động Nhật năm 2023 là 56,80USD/tiếng, thấp hơn gần 100USD so với nước xếp hạng cao nhất là Ireland. Nghiên cứu của Gallup cũng phát hiện độ tương tác thấp khiến các công ty Nhật Bản thiệt hại hơn 585 tỉ USD vào năm 2023, tương đương gần 15% tổng sản phẩm quốc nội nước này năm đó.

Nỗ lực cải cách của chính phủ

Để thúc đẩy thái độ làm việc lành mạnh, Nhật Bản đã thực hiện Luật Cải cách Phong cách Làm việc theo từng giai đoạn bắt đầu từ năm 2019, bao gồm giới hạn thời gian làm thêm giờ 45 tiếng/tháng, thu hẹp khoảng cách tiền lương và khuyến khích chế độ làm việc linh hoạt. Chương trình cải cách mới nhất bắt đầu vào tháng này khi chính quyền thành phố Tokyo áp dụng chế độ làm việc 4 ngày/tuần cho nhân viên.

Trong khi một số công ty bắt đầu thử nghiệm, nhiều doanh nghiệp khác vẫn chưa chấp nhận thay đổi nền văn hóa mà nhân viên được kỳ vọng cống hiến hết mình cho công ty. Tư duy này, được gọi là “messhi hoko” hay hy sinh bản thân vì lợi ích chung, đã ăn sâu vào cơ cấu doanh nghiệp Nhật Bản. Theo đó, công ty tuyển hàng loạt sinh viên mới tốt nghiệp, phân công và luân chuyển công việc khi cần thiết thay vì tuyển người vào những vị trí cụ thể. Dựa vào đây, công ty nắm giữ quyền hạn đáng kể đối với quyết định nhân sự. Trong môi trường như vậy, rời khỏi công ty thường bị coi là hành vi phản bội còn người sẵn sàng làm việc nhiều giờ và làm bất cứ điều gì cần thiết thì được coi trọng và có cơ hội thăng chức.

Không chỉ với doanh nghiệp, một bộ phận người lao động Nhật Bản theo truyền thống “shushin koyo” hay việc làm trọn đời, cũng ít khi đòi hỏi quyền lợi của mình. Thay vào đó, họ chọn ở lại với doanh nghiệp để hưởng mức lương ổn định, thăng chức dựa trên thâm niên và nhiều phúc lợi khác. Với tư duy tập thể và chú trọng vào sự hòa hợp, nhiều nhân viên cũng·lo sợ phá vỡ hiện trạng gây tổn hại quan hệ nơi làm việc. Ngoài ra, lo ngại về an ninh việc làm khiến nhiều người không muốn thay đổi công việc.

MAI QUYÊN (Theo CNA)

Chia sẻ bài viết