02/05/2025 - 15:29

Nhiều chính sách có lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2024, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, với nhiều điểm mới, tiến bộ, được người dân đồng tình ủng hộ. Theo đó, quy định của Luật theo hướng có lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT. Nổi bật nhất là quy định xóa bỏ địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh (KCB); chi trả 100% mức hưởng bảo hiểm cho người bệnh tại các cơ sở y tế thay vì phân cấp như trước...

Người dân KCB BHYT tại Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ.

Một trong những điểm mới, tiến bộ của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT là người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... không cần giấy chuyển viện. Người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao (thuộc danh mục 62 nhóm bệnh hiếm do Bộ Y tế ban hành) có thể trực tiếp đến cấp chuyên sâu mà không cần xin phiếu chuyển cơ sở KCB BHYT. Theo quy định, trường hợp này, BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị mà không cần phải xin giấy chuyển viện như trước. Quy định này áp dụng đối với trường hợp người tham gia BHYT thay đổi nơi cư trú dưới 30 ngày đã thực hiện khai báo thông tin lưu trú. Cơ sở KCB ban đầu có thể chuyển người bệnh đến các cơ sở phù hợp với tình trạng bệnh lý. Sự linh hoạt này giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp, kịp thời hơn.

Bà Thạch Thị Th, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn tham gia BHYT, nơi đăng ký KCB ban đầu là Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn. Bà bị ung thư, thường xuyên điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ. Bà Th cho biết: “Trước đây, mỗi khi cần chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị, tôi phải quay lại bệnh viện ban đầu để đăng ký KCB theo đúng quy định. Sau đó, tôi phải làm hàng loạt thủ tục, từ xét nghiệm đến xin phiếu chuyển cơ sở KCB”. Các thủ tục này thường mất rất nhiều thời gian và gây không ít phiền hà. Với chính sách mới được áp dụng từ ngày 1-1-2025, mỗi lần đi KCB, bà Th không cần làm thủ tục chuyển tuyến mà có thể trực tiếp đến cơ sở KCB tuyến chuyên sâu để điều trị.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT còn bổ sung quy định là người bệnh mua thuốc ngoài sẽ được hoàn trả tiền. Theo đó, trường hợp bác sĩ kê đơn thuốc, vật tư nằm trong danh mục bảo hiểm nhưng thời điểm đó bệnh viện không có thuốc, bệnh nhân phải mua thuốc bên ngoài thì bảo hiểm xã hội sẽ hoàn tiền lại cho bệnh nhân. Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định: người tham gia BHYT khi đi KCB chỉ cần xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ; khuyến khích áp dụng thẻ BHYT điện tử và các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB. Điều này giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người bệnh và nâng cao hiệu quả quản lý của cơ sở y tế.

Theo Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, cả cơ sở y tế lẫn người bệnh đều thuận tiện trong cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa giấy tờ không cần thiết. Trước đây, đến khám bệnh BHYT, phải photo căn cước công dân, thẻ BHYT để nộp. Bệnh viện thực hiện tất cả các khâu, các bước để giám định hay thanh toán 1 trường hợp bệnh. Từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực, đã giảm được tất cả các khâu đó, không gây phiền hà cho cơ sở KCB cũng như người tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã bổ sung thêm các nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, gồm: người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên; người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề. Việc mở rộng này giúp tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người lao động, người dân ở tất cả địa phương. Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cũng đã điều chỉnh mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương hoặc mức tham chiếu do Chính phủ quy định. Sự điều chỉnh này nhằm đảm bảo tính công bằng và phù hợp với thu nhập của người tham gia.

Những điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT hướng tới mục tiêu bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng; đồng thời, tạo thuận lợi cho cả người dân và cơ sở y tế trong việc tham gia, cung cấp dịch vụ BHYT…

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết