02/05/2025 - 09:00

Cuộc chiến chống khủng bố mới của ông Trump 

Kể từ khi trở lại nắm quyền vào tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy mạnh “cuộc chiến chống khủng bố” với mục đích dập tắt các mối đe dọa mới, điều mà ông đã từng làm trong nhiệm kỳ đầu, thay vì tìm kiếm chấm dứt “những cuộc chiến không hồi kết”  như cam kết.

Ông Trump giám sát cuộc tấn công Houthi tại Yemen. Ảnh: NY Post

Những cuộc chiến không hồi kết

Ông Trump từng cam kết sẽ chấm dứt “những cuộc chiến không hồi kết” và nhiều quan chức trong chính quyền đương nhiệm muốn chuyển quân đội và máy bay sang châu Á, giảm dần hoạt động của Mỹ ở Trung Ðông, châu Phi và châu Âu. Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng đã quyết định tăng cường các cuộc oanh tạc, một phần vì các nhóm thánh chiến vẫn tiếp tục âm mưu chống lại nước Mỹ.

Theo đó, Mỹ đang tiến hành các cuộc không kích chống khủng bố tại 4 quốc gia. Ở Somalia, có ít nhất 19 cuộc không kích trong 3 tháng qua. Con số này nhiều hơn 11 cuộc mà chính quyền tiền nhiệm Joe Biden đã thực hiện trong cả năm 2024 và cao nhất kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Ở Yemen, các cuộc không kích của Mỹ diễn ra hằng ngày nhằm vào Houthi. Nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn này đã tấn công các tàu thuyền trên Biển Ðỏ nhằm ủng hộ người Palestine. Tại Iraq và Syria, các đợt tập kích đã giết chết một số thủ lĩnh thánh chiến.

Washington đặc biệt lo ngại về Somalia, nơi có 10.000-15.000 chiến binh al-Shabab, một nhánh của al-Qaeda (tổ chức đứng sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11-9-2001). Các căn cứ của al-Shabab đã trở thành nơi lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ở nước ngoài. Một phần tử thánh chiến người Kenya được nhóm này huấn luyện và tài trợ đã bị kết án hồi cuối năm ngoái vì lên kế hoạch tấn công theo kiểu 11-9 tại Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Mỹ từng tiến hành hơn 200 cuộc không kích tại Somalia.

Mối đe dọa ở vùng Sừng châu Phi cũng đã lan ra Biển Ðỏ. Al-Shabab đang củng cố mối quan hệ với Houthi bằng cách trao đổi bí quyết công nghệ và hoạt động. Gần đây, Tướng Michael E. Langley, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ cảnh báo rằng Houthi có thể tấn công các căn cứ của nước này ở Djibouti. Bằng cách bắt tay với al-Shabab, Houthi có thể gây thêm thiệt hại cho hoạt động vận chuyển hàng hải hoặc quân đội Mỹ.

Tại Yemen, chính quyền ông Biden trước đây chỉ tấn công hạn chế vào các địa điểm quân sự và cơ sở hạ tầng do lo ngại căng thẳng leo thang. Hiện nay, lực lượng Mỹ nhắm vào nhiều mục tiêu hơn, đơn cử như vụ trút bom xuống cảng dầu Ras Isa hồi tuần rồi. Ðây là cuộc tấn công đầu tiên của Mỹ vào một cơ sở dầu mỏ do Houthi kiểm soát kể từ khi Washington bắt đầu chiến dịch ném bom mới.

Nguy cơ sa lầy ở Yemen

Tuy nhiên, chính sách chống khủng bố của Mỹ ở châu Phi bị chê là “loạng choạng vì mất đà và không có ý chí”. Trong suốt một thập niên, Houthi đã chịu đựng được các cuộc không kích từ Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các nước khác.

Theo các nguồn tin tình báo, Mỹ đã tiêu diệt ít nhất 500 chiến binh Houthi kể từ khi phát động chiến dịch không kích ở Yemen hồi tháng 3. Trong số này có những nhân vật điều hành hệ thống tên lửa và chuyên gia máy bay không người lái (UAV). Một số trại huấn luyện của Houthi cũng đã bị xóa sổ. Về phần mình, Houthi đã thể hiện sức mạnh khi sử dụng tên lửa hành trình và UAV nhằm vào 2 tàu sân bay USS Harry S. Truman và USS Carl Vinson của Mỹ, cùng các tàu hộ tống ở Biển Ðỏ và Biển Arab.

Thực tế, chiến dịch chống Houthi cho đến nay vẫn chưa đạt được một trong 2 mục tiêu: khôi phục quyền tự do hàng hải ở Biển Ðỏ và tái lập khả năng răn đe.

Vận chuyển qua Biển Ðỏ và Kênh đào Suez lân cận vẫn ảm đạm mặc dù Mỹ tiêu tốn hơn 1 tỉ USD cho chiến dịch không kích. Nhịp độ các hoạt động của Mỹ, bao gồm các cuộc tấn công suốt ngày đêm của toàn bộ 2 nhóm tác chiến tàu sân bay ở Trung Ðông, đang đốt cháy các loại đạn dược chính xác hữu hạn. Houthi vẫn cứng đầu, tăng cường các cuộc không kích vào Israel và tàu chiến của Mỹ trong khu vực.

Trước tình hình trên, Mỹ đang cân nhắc hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen tiến hành chiến dịch trên bộ chống Houthi.

Nhà Trắng chưa chốt quyết định hỗ trợ chiến dịch tái chiếm thành phố cảng Hodeidah - thành trì quan trọng và là thủ đô trên thực tế của Houthi, nhưng các nhà thầu tư nhân của Mỹ đang tham mưu cho các phe phái ở Yemen.

Ðối thủ của Houthi ở Yemen có thể lên tới 500.000 quân, bao gồm lực lượng chính phủ và các nhóm bán quân sự thân Saudi Arabia, UAE. Trong đó, lực lượng chính phủ vận hành 20 lữ đoàn cơ giới với các vũ khí hạng nặng.

Về phần mình, nhóm Houthi có khoảng 350.000 chiến binh và được trang bị nhiều loại vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng T-80BV.

Vì thế, sự hỗ trợ của Mỹ cho chiến dịch trên bộ ở Yemen có nguy cơ đẩy cuộc nội chiến ở quốc gia này vào giai đoạn tàn khốc mới, điều mà nhiều đời chính quyền Washington đã cố né tránh để không phải bị lôi kéo vào “bãi lầy” khó có lối thoát.

HẠNH NGUYÊN
 (Theo Economist, Defense Express)

Chia sẻ bài viết