02/05/2025 - 09:00

"Ba của tôi" - câu chuyện của một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc 

"Ba của tôi" là tập truyện ký của nhà văn Thúy Dung (hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ) vừa ra mắt bạn đọc. Đó là câu chuyện của ba chị, một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc cách đây gần 71 năm. Qua những trang viết, dường như không chỉ là hồi ức của ba nhà văn Thúy Dung, mà còn là tâm tư của một thế hệ học sinh miền Nam trưởng thành nơi miền Bắc thân yêu.

Truyện ký "Ba của tôi".

Ba của nhà văn Thúy Dung là ông Nguyễn Thành Hiệp, sinh năm 1940, quê ở Phụng Hiệp, Hậu Giang. Mở đầu quyển truyện ký, chị dành kể lại gốc tích quê hương với những trang viết đầy thú vị với nhan đề "Một góc miền Tây Nam Bộ", tái hiện bối cảnh, lịch sử, văn hóa của vùng Phụng Hiệp xưa, qua hồi ức của ông Hiệp. Đó là những địa danh như Bao ngạn Bảy Quân, lung Ngọc Hoàng… một thời "con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh".

Lớn lên, ông Hiệp vì cảm tình với những Thiếu sinh quân đội ngũ chỉnh tề mà xin theo. Ông được cho đi học ở Trường Thiếu sinh quân, đến đầu năm 1952, ông được chọn về làm liên lạc cho Cơ quan nông dân tỉnh Cần Thơ đóng tại kinh Ông Dèo, xã Thới Lai, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Khi ấy, ông Hiệp mới 12 tuổi. Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, cuối tháng 7-1954, ông Hiệp được lệnh di chuyển xuống Bạc Liêu, về Cái Nước để tập kết ra Bắc. "Thời tiết se lạnh, Hiệp khoanh hai cánh tay cho ấm rồi đảo mắt nhìn xung quanh. Mọi người từ trên tàu bước xuống một cách thận trọng. Các cô chú bộ đội, các bạn thanh thiếu niên, có cả nhi đồng từ miền Nam xa xôi đã có mặt tại miền Bắc. Tiếng trống ếch khua vang, cả rừng người áo nâu, cầm nón đứng đợi, nở nụ cười thân thiện", ông Hiệp nhớ lại. Những ngày học trên đất Bắc, ông Hiệp nhớ như in những kỷ niệm với bạn bè, những lần đá bóng, đấu vật… và lý tưởng cách mạng trở về miền Nam thân yêu, cống hiến dựng xây quê hương khi đất nước hòa bình.

Năm 1963, sau khi tốt nghiệp, ông Hiệp về công tác tại Trạm Máy kéo ở Hải Phòng, giã từ mái trường Trung cấp cơ khí Văn Điển. Những ngày tháng ở Hải Phòng, ông Hiệp công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, và cũng chính nơi này, ông gặp và sánh duyên với bà Thúy Dư, quê Hà Nam, vốn là đảng viên trẻ ưu tú. Ông bà cưới nhau năm 1971, khi ấy, ông Hiệp làm mấy câu thơ ý nghĩa: "Hạnh phúc non sông, hạnh phúc nhà/ Tình yêu chung thủy được thăng hoa/ Hạnh phúc đi theo cùng đất nước/ Trăm năm đằng đẵng đợi chờ ta". Nhớ lại ngày 30-4-1975, ông Hiệp kể rằng lòng nao nao, rạo rực, niềm vui vô bờ bến cứ dâng trào. Trong dòng cảm xúc ấy: "Hiệp nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Đã 21 năm, Hiệp chưa gặp người thân. Hiệp mòn mỏi chờ đợi ngày này đã lâu, nay đã đến, không phải trong mơ mà là hiện thực. Hiệp vỡ òa bật khóc giữa đêm khuya".

Ngày 26-6-1975, ông Hiệp lần đầu về thăm nhà, đặt chân trên mảnh đất quê hương hòa bình, thống nhất, lòng xiết bao cảm động. Năm 1976, ông Hiệp đưa vợ con vào Cần Thơ, định cư và lập nghiệp.

85 năm tuổi đời, 71 năm sau ngày tập kết, với 22 năm trên đất Bắc, 49 năm sinh sống trên mảnh đất Cần Thơ, những con số đó phác họa rõ nét hành trình cuộc đời ông Hiệp, qua ngòi bút con gái ông là nhà văn Thúy Dung. Năm rồi, kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc, nhà văn Thúy Dung đưa ông Hiệp thăm lại những người bạn cũ, về dự lễ ở Sông Đốc, Cà Mau và gom tư liệu để viết quyển truyện ký này. Trong từng câu văn, người đọc cảm nhận được tình cảm của một người con với cuộc đời của cha mẹ, của một thế hệ cha ông được học dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc thân yêu.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết