02/05/2025 - 15:51

Giá ca cao tăng kỷ lục, nhà vườn phấn khởi 

Tại ĐBSCL, cây ca cao từ lâu được xem là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế ổn định. Tuy nhiên, chưa khi nào nông dân lại phấn khởi như hiện nay khi giá ca cao bất ngờ tăng vọt gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái...

Nhà vườn phấn khởi vì giá ca cao đang ở mức kỷ lục.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cây ca cao trong nước cũng như trên thế giới bị giảm năng suất, dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Từ năm 2024 đến nay, giá trái ca cao tăng mạnh, gấp 3 lần so với năm 2023, từ 5.500 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg. Với giá ca cao như hiện nay, người nông dân trồng cây này rất phấn khởi. Ông Võ Văn Nhẫn (60 tuổi, ngụ ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) có 10 công đất vườn trồng 160 cây dừa và 450 cây ca cao. Mỗi tuần, thương lái đến tận vườn thu mua, ông kiếm được thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Đối với cây dừa, mỗi tháng ông thu hoạch một lần được một thiên dừa (1.200 trái), bán thu về 15-20 triệu đồng. Tổng thu nhập của gia đình ông Nhẫn dao động từ 35-40 triệu đồng/tháng. “Cả dừa và ca cao đều dễ chăm sóc, ít tốn công và không phải sử dụng nhiều phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Hiện giá cả đều đang ở mức rất tốt, cao gấp 3 lần so với trước và đã duy trì ổn định suốt nửa năm qua”, ông Nhẫn phấn khởi nói.

Theo bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Mekong (ấp Trà Nóc, xã Song  Lộc,  huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) nhu cầu nhiều nhưng lượng cung thấp khiến giá ca cao thế giới tăng mạnh. Hơn nữa, Việt Nam có nguồn nguyên liệu ca cao sạch nên được khách hàng quốc tế rất ưa chuộng. “Hiện nay, Công ty Ca cao Mekong đã liên kết với bà con địa phương bao tiêu hàng chục héc-ta ca cao. Không chỉ doanh nghiệp nhận thấy tiềm năng của cây trồng này, ở Trà Vinh, chính quyền địa phương cũng đã xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cho thấy mô hình đạt kết quả khá tốt nên cũng khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng”, bà Nhung chia sẻ.

Tại ĐBSCL, cây ca cao được xem là cây trồng thích nghi tốt với xâm nhập mặn. Được trồng nhiều tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Có hai mô hình trồng ca cao phổ biến là trồng chuyên canh và xen canh với cây dừa. Nhiều doanh nghiệp đã liên kết với bà con nông dân xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn để xuất khẩu. Tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tích Khánh, thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, năm nay người trồng ca cao thắng lớn. Nhằm đáp ứng nhu cầu hạt ca cao từ các doanh nghiệp, HTX quyết định mở rộng vùng trồng. Năm 2024, HTX đã cung ứng 4.533 cây giống cho 40 hộ trồng mới tại các xã Tích Thiện, Tân Mỹ (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) và mở rộng sang xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Tính đến nay, diện tích trồng ca cao của HTX đạt 130ha với năng suất bình quân đạt 11 tấn/ha. Năm 2025, HTX dự định mở rộng diện tích trồng ca cao thêm 200ha.

Ông Trần Hữu Phúc, xã Tân  Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đang có 1ha đất vườn trồng dừa. Nhận thấy tiềm năng của cây ca cao, ông dự định chọn để trồng xen canh. “Mấy năm nay, cây cam sành bấp bênh quá. Tôi đã chuyển sang trồng dừa. Bây giờ tôi tính chọn thêm cây ca cao để trồng xen vì cây này trồng xen rất phù hợp mà giá cả cũng ổn định nữa”, ông Phúc nói.

Thời gian qua, trước ảnh hưởng của xâm nhập mặn và biến động thị trường, cây ca cao ở ĐBSCL đã không ngừng được mở rộng diện tích, chứng tỏ sức sống mãnh liệt và hiệu quả kinh tế mang lại cho người nông dân rất tốt.  Ca cao hứa hẹn sẽ là cây trồng giúp phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả ở những vùng đất này.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

Chia sẻ bài viết