Chứng tăng huyết áp (hay huyết áp cao) được biết là có tác động trực tiếp đến nguy cơ đau tim và đột quỵ, nhưng các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ vừa phát hiện mối liên hệ đáng ngạc nhiên của tình trạng huyết áp cao với sức khỏe não bộ.

Thường xuyên theo dõi huyết áp để kịp thời can thiệp. Ảnh: Alamy
Nhóm nghiên cứu do Bệnh viện Đại học Y khoa Trung Quốc số 1 dẫn đầu đã chia gần 34.000 người tham gia từ 40 tuổi, bị “tăng huyết áp không kiểm soát”, thành 2 nhóm. Một nhóm được “chăm sóc thông thường”, trong khi nhóm còn lại được “kiểm soát huyết áp chuyên sâu”. Điều này bao gồm việc dùng thuốc hạ huyết áp theo liều lượng phù hợp, được tư vấn sức khỏe để giúp họ tuân thủ dùng thuốc và thay đổi lối sống có lợi (giảm cân, giảm uống rượu và giảm lượng muối dung nạp), cũng như sử dụng thiết bị theo dõi huyết áp tại nhà.
Sau 4 năm theo dõi những người tham gia, nhóm nghiên cứu ghi nhận 668 người trong nhóm “quản lý huyết áp chuyên sâu” mắc chứng mất trí nhớ, thấp hơn so với 734 người trong nhóm chăm sóc thông thường. Kết quả này tương ứng với việc nhóm “quản lý huyết áp chuyên sâu” đã giảm 15% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và giảm 16% nguy cơ suy giảm nhận thức. “Điều trị hạ huyết áp có thể ngăn ngừa chứng mất trí ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp không kiểm soát. Do tình trạng tăng huyết áp không kiểm soát trên thế giới rất phổ biến, biện pháp can thiệp hiệu quả này nên được áp dụng rộng rãi và mở rộng quy mô để giảm gánh nặng toàn cầu của chứng mất trí”, Giáo sư Jiang He từ Đại học Texas (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu, nhận xét.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 57 triệu người trên thế giới mắc chứng mất trí nhớ vào năm 2021. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe từ lâu khẳng định chứng mất trí nhớ không phải là hậu quả tất yếu của quá trình lão hóa. Bởi các nhà nghiên cứu phát hiện khoảng 50% trường hợp có thể được ngăn ngừa hoặc trì hoãn bằng cách giải quyết 14 yếu tố nguy cơ, bao gồm: cholesterol (mỡ trong máu) cao, mất thị lực, trình độ học vấn thấp, suy giảm thính lực, huyết áp cao, hút thuốc, béo phì, trầm cảm, không hoạt động thể chất, bệnh tiểu đường, uống quá nhiều rượu, chấn thương sọ não, ô nhiễm không khí và cô lập xã hội.
Vì thế, để phòng tránh nguy cơ suy giảm nhận thức, các chuyên gia nhấn mạnh việc sớm thực hiện các biện pháp can thiệp để đối phó 14 yếu tố nguy cơ nói trên. Mọi người có thể thực hiện một số bước đơn giản và dễ dàng sau đây:
+ Tham gia các hoạt động kích thích nhận thức (học ngôn ngữ mới, chơi cờ, giải câu đố) để duy trì khả năng tư duy và trí não mạnh mẽ.
+ Sử dụng máy trợ thính nếu bị mất thính lực.
+ Giảm tiếp xúc với tiếng ồn có hại để bảo vệ thính lực.
+ Luôn đội mũ bảo hiểm để bảo vệ đầu trong khi đi xe đạp/xe máy hoặc khi chơi các môn thể thao đối kháng để ngăn ngừa chấn thương sọ não.
+ Thường xuyên tập thể dục.
+ Giảm hoặc cai hút thuốc lá hoàn toàn.
+ Giảm tiêu thụ rượu.
+ Ngăn ngừa hoặc giảm tình trạng huyết áp cao bằng cách kiểm soát huyết áp tâm thu ở mức 130 mm Hg hoặc thấp hơn sau 40 tuổi.
+ Kiểm soát mức cholesterol lành mạnh cho sức khỏe và nỗ lực giảm cholesterol “xấu” LDL.
+ Duy trì cân nặng khỏe mạnh và điều trị béo phì càng sớm càng tốt. Điều này cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
+ Tham gia các hoạt động gắn kết cộng đồng hoặc sống chung với người khác để giảm sự cô lập xã hội.
+ Kiểm tra thị lực định kỳ và kịp thời điều trị các bệnh về mắt để bảo vệ thị lực.
+ Xác định mức độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm và cố gắng giảm thiểu việc phơi nhiễm nếu có thể.
+ Khi bị trầm cảm, cần tìm sự trợ giúp từ chuyên gia.
AN NHIÊN (Theo Fox News, Fortune)