Hezbollah ở Lebanon đã không còn là lực lượng đáng gờm kể từ khi hứng chịu các cuộc tấn công dữ dội từ Israel và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
.webp)
Nhóm Hezbollah tổ chức lễ tang cho hai thủ lĩnh Hassan Nasrallah và Hashem Safieddine bị Israel hạ sát. Ảnh: AP
Hezbollah được thành lập vào đầu thập niên 1980, với sự hậu thuẫn của Iran, để chống lại sự chiếm đóng của Israel ở miền Nam Lebanon. Cho đến nay, xóa sổ Israel vẫn là một trong những mục tiêu chính thức của phong trào Hồi giáo dòng Shiite này.
Tuy nhiên, cuộc chiến với Israel, bùng phát sau khi phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza tấn công vào nhà nước Do Thái hồi tháng 10-2023, không chỉ gây tổn thất nặng nề cho Lebanon mà còn cả Hezbollah.
Sự bất mãn trong dân chúng
Trước chiến tranh, cánh quân sự của Hezbollah được coi là mạnh hơn quân đội Lebanon. Giờ đây, các nhà lãnh đạo hàng đầu của nhóm đã bị ám sát, trong khi nhiều chiến binh thiệt mạng và phần lớn kho vũ khí bị phá hủy. Trong số những người thiệt mạng có ông Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah trong hơn 30 năm. Do bị đánh tơi tả, đến tháng 11 năm ngoái, Hezbollah đã đồng ý ngừng bắn với Israel.
Hezbollah sau đó bổ nhiệm phó thủ lĩnh Naim Qassem làm người đứng đầu tổ chức, thay thế cố lãnh đạo Nasrallah. Tuy nhiên, tân thủ lĩnh Hezbollah được đánh giá là người thiếu sức ảnh hưởng, trong khi những đồn đoán về bất đồng nội bộ đang lan truyền.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí liên quan tái thiết Lebanon ước tính vào khoảng 11 tỉ USD. Một trong những thách thức trước mắt của Hezbollah là hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh - việc làm rất quan trọng để giữ chân những người ủng hộ. Dù vậy, nhóm này chỉ hỗ trợ tiền thuê nhà, chứ không cam kết giúp xây dựng lại nhà cửa hoặc bồi thường cho các doanh nghiệp bị tàn phá. Chính điều này đang làm gia tăng sự bất mãn trong dân chúng.
Cuộc xung đột cũng đã bào mòn vị thế trong nước của Hezbollah. Trước chiến tranh, một khối nghị viện vững chắc có nghĩa là hầu như không có quyết định lớn nào được thông qua nếu không có sự đồng ý của Hezbollah. Do hệ thống chính trị đầy chia rẽ của Lebanon, nhóm này có cả đại diện trong chính phủ. Tóm lại, Hezbollah đủ sức làm tê liệt nhà nước, điều đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ.
Hồi đầu năm nay, Quốc hội Lebanon đã bầu Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Joseph Aoun, người được Mỹ ủng hộ, làm tổng thống. Chức Tổng thống Lebanon do Quốc hội bầu, có nhiệm kỳ 6 năm. Tổng thống phải là người Công giáo Maronite, theo cơ chế chia sẻ quyền lực theo giáo phái của Lebanon. Vị trí này để trống kể từ khi nhiệm kỳ của ông Michel Aoun kết thúc vào tháng 10-2022, mà nguyên nhân bế tắc là do Hezbollah.
Nhưng hiện nay, Hezbollah cảm thấy không thể tiếp tục ngăn cản tiến trình bầu chọn tổng thống, trong khi đây lại là điều kiện quan trọng để Lebanon nhận viện trợ từ quốc tế. Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Aoun đã cam kết nỗ lực đảm bảo quân đội Lebanon độc quyền sở hữu vũ khí.
Thách thức bủa vây
Iran từng là một trong những bên cung cấp tài chính, vũ khí và huấn luyện quan trọng của Hezbollah. Nhưng các nước đồng minh của Lebanon đang tìm cách cắt đứt mọi nguồn hỗ trợ tài chính từ Iran nhằm gia tăng sức ép lên Hezbollah. Với việc Hezbollah suy yếu về mặt quân sự, phe chỉ trích coi đây là cơ hội để giải giáp nhóm này. Một trong những lý do khiến Iran xây dựng Hezbollah thành lực lượng chiến đấu phi nhà nước mạnh nhất thế giới là để răn đe Israel tấn công Tehran, đặc biệt là các cơ sở hạt nhân. Nhưng điều này hiện đã không còn nữa. Các lực lượng khác trong “Trục Kháng chiến” của Iran trong khu vực cũng đã suy yếu đáng kể, bao gồm Hamas và Houthi ở Yemen.
Và sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad ở Syria đã cắt đứt hành lang đất liền của Iran tới Lebanon, vốn được sử dụng để chuyển vũ khí cho Hezbollah. Ngay cả khi Iran quyết định tái vũ trang cho Hezbollah, thì nhiệm vụ này cũng sẽ không dễ thực hiện.
Trong bối cảnh đó, Phó Ðặc phái viên Mỹ về Trung Ðông Morgan Ortagus vừa có chuyến thăm Lebanon nhằm thể hiện lập trường cứng rắn, thúc đẩy một thời gian biểu rõ ràng cho việc giải trừ vũ khí của Hezbollah và tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với các cuộc tấn công của Israel vào Lebanon. Phó Ðặc phái viên Mỹ kêu gọi Tổng thống Aoun hành động cứng rắn hơn với Hezbollah để mở khóa khoản hỗ trợ tài chính từ Saudi Arabia. Vị này lo ngại quân đội Lebanon đang “thụt lùi” trong việc giải giáp Hezbollah, nhóm bị Washington liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, quá trình thảo luận về việc giải trừ vũ khí của Hezbollah có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài. Một trong những giải pháp là đặt kho vũ khí của Hezbollah, bao gồm nhiều tên lửa tầm xa, dưới sự kiểm soát của nhà nước Lebanon, trong khi vài ngàn chiến binh còn lại của nhóm được đưa vào quân đội.
HẠNH NGUYÊN (Theo BBC, MEE)