Bất chấp nỗ lực trấn áp của giới chức Hàn Quốc, tội phạm khiêu dâm deepfake (sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo các video và hình ảnh giả mạo) đang hủy hoại cuộc sống của nhiều nạn nhân, xâm nhập cả vào học đường.

Thiếu sự bảo vệ từ luật pháp khiến nhiều phụ nữ Hàn Quốc trở thành nạn nhân của tội phạm khiêu dâm deepfake. Ảnh: CNN
Ruma (tên nhân vật đã được thay đổi vì sự riêng tư và an toàn) kể cô phát hiện mình là nạn nhân của tội phạm khiêu dâm trên mạng vào một ngày hè năm 2021. Khi xem các tin nhắn gửi đến điện thoại, Ruma, người khi đó là sinh viên 27 tuổi, nhận ra ảnh chụp khuôn mặt mình đăng trên mạng xã hội đã bị lấy cắp để chỉnh sửa thành hình ảnh cơ thể khỏa thân, rồi được chia sẻ với hàng chục người khác trong một phòng trò chuyện trên ứng dụng nhắn tin Telegram. Các bình luận trong phòng đều mang nội dung hạ thấp nhân phẩm và thô tục.
Những trường hợp đột nhiên trở thành nạn nhân của tội phạm khiêu dâm deepfake như Ruma không phải là hiếm tại Hàn Quốc. Những năm gần đây, tình hình tội phạm tình dục kỹ thuật số tại nước này đặc biệt căng thẳng, từ việc đặt máy quay phim ẩn tại nơi công cộng để quay lén phụ nữ cho đến các phòng trò chuyện khiêu dâm trên Telegram, nơi nhiều phụ nữ và bé gái bị ép buộc và tống tiền để đăng nội dung khiêu dâm.
Hiện tại, công nghệ deepfake tạo ra mối đe dọa tội phạm mới và cuộc khủng hoảng này đặc biệt nghiêm trọng ở học đường. Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc, trong 10 tháng đầu năm 2024, hơn 900 học sinh, giáo viên và nhân viên tại các trường đã trình báo họ trở thành nạn nhân của tội phạm tình dục deepfake. Con số đó chưa bao gồm các trường đại học.
Để ứng phó tội phạm tình dục deepfake, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã thành lập lực lượng đặc nhiệm khẩn cấp. Hồi tháng 9-2024, chính phủ đã thông qua luật sửa đổi để những người sở hữu và xem nội dung khiêu dâm deepfake có thể bị phạt tới 3 năm tù hoặc nộp số tiền tới 30 triệu won (hơn 20.000USD). Hành vi sản xuất và phát tán hình ảnh khiêu dâm deepfake không được đồng thuận sẽ tăng từ mức án tù tối đa là 5 năm lên 7 năm.
Nạn nhân hành động
Dù vượt qua nỗi sợ hãi để trình báo giới chức, nhiều nạn nhân không thể đưa kẻ tấn công họ ra xử lý trước pháp luật. Như trường hợp của Ruma, cô đã trình báo cảnh sát. Sau khi ghi nhận thông tin, họ chỉ cho biết sẽ yêu cầu Telegram cung cấp thông tin người dùng, nhưng lại cảnh báo trước rằng nền tảng này thường không chia sẻ dữ liệu như vậy. Vì cảnh sát khó có thể xác định nghi phạm, Ruma sau đó tự hành động. Cô cùng các sinh viên khác, cũng là nạn nhân của tội phạm khiêu dâm deepfake, đã tìm sự giúp đỡ từ Won Eun-ji, một nhà hoạt động nổi tiếng vì đã vạch trần nhóm tội phạm tình dục kỹ thuật số lớn nhất nước này trên Telegram hồi năm 2020.
Cô Won đồng ý giúp đỡ, tạo một tài khoản Telegram giả và đóng giả làm một người đàn ông ngoài 30 tuổi để xâm nhập vào phòng trò chuyện đã lan truyền những hình ảnh deepfake. Cô dành gần 2 năm cẩn thận thu thập thông tin và trò chuyện với những người dùng khác, trước khi phối hợp với cảnh sát để thực hiện chiến dịch truy quét. 2 cựu sinh viên của Đại học Quốc gia Seoul đã bị bắt vào tháng 5-2024. Thủ phạm chính cuối cùng bị kết án 9 năm tù vì sản xuất và phân phối tài liệu khai thác tình dục, trong khi 1 đồng phạm bị kết án 3,5 năm tù.
Đáng buồn là trường hợp thành công của Ruma chỉ là một trong số hàng nghìn vụ bị lạm dụng trên khắp Hàn Quốc và nhiều nạn nhân thường không nhận được sự giúp đỡ từ cảnh sát. Nhà hoạt động Won cho biết trong suốt một thời gian dài, việc chia sẻ và xem nội dung khiêu dâm của phụ nữ không được coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng ở Hàn Quốc. Mặc dù nội dung khiêu dâm bị cấm, nhưng giới chức từ lâu đã không thực thi luật pháp hoặc trừng phạt những người vi phạm. Mặt khác, cô Won cho biết sự thờ ơ của xã hội đã khiến tội phạm tình dục kỹ thuật số hoạt động dễ hơn, bao gồm cả hành vi “làm nhục người quen”.
NGUYỆT CÁT (Theo CNN)