Theo hãng tin Reuters, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu vào xứ cờ hoa đồng thời nâng mức thuế tối đa lên hơn 50% đối với hàng chục quốc gia đối thủ lẫn đồng minh đang làm gia tăng cuộc chiến thương mại, rủi ro lạm phát và kìm hãm tăng trưởng toàn cầu.

Tổng thống Trump giải thích mức thuế quan mới tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images
Ngày 2-4, Tổng thống Trump “gây sốc” cho nhiều đối tác khi công bố thuế nhập khẩu “có qua có lại” nhằm đáp trả hoạt động thương mại mà ông cho là không công bằng và gây bất lợi cho Mỹ trong hàng thập kỷ. Theo đó, ngoài mức thuế cơ bản 10%, Nhà Trắng sẽ áp thuế đối ứng với những nước bị xác định mất cân bằng thương mại với Mỹ. Mức thuế này sẽ bằng một nửa mức thuế thực tế mà Nhà Trắng nói rằng các nước đã áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, bao gồm thông qua “thao túng tiền tệ và rào cản thương mại”.
Dựa vào các biện pháp trên, Washington kỳ vọng các quốc gia khác sẽ hạ thuế quan và rào cản thương mại vốn bị ông Trump coi là nguyên nhân dẫn đến thâm hụt thương mại 1.200 tỉ USD vào năm ngoái. Theo danh sách công bố, Trung Quốc đối mặt với thuế mới 34% ngoài mức 20% mà chính quyền Tổng thống Trump áp đặt trước đây. Con số này cao hơn mức mà nhiều nhà phân tích dự kiến và có thể định hình lại quan hệ giữa 2 nền kinh tế sau nhiều thập kỷ phụ thuộc lẫn nhau. Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, thương mại giữa 2 nước ước tính trị giá 582 tỉ USD vào năm 2024.
Các đồng minh thân cận của Mỹ cũng không thoát khỏi “cơn thịnh nộ” từ Nhà Trắng, với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc lần lượt bị áp thuế 20, 24 và 25%. Hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Canada và Mexico đang chịu mức thuế 25% trên nhiều mặt hàng và sẽ không phải gánh thêm thuế đối ứng.
Ở Ðông Nam Á, thuế cơ bản áp dụng với Singapore là 10% trong khi thuế đối ứng thực thi với các nước Thái Lan, Brunei, Indonesia, Malaysia, Lào, Việt Nam, Campuchia và Myanmar dao động từ 24 đến 49%.
Đe dọa kinh tế và tăng trưởng toàn cầu
Theo các quan chức Nhà Trắng, thuế quan 10% áp dụng với các đối tác thương mại của Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 5-4 trong khi mức thuế cao hơn nhắm vào “những đối tác vi phạm nghiêm trọng” sẽ có hiệu lực vào ngày 9-4. Trong một cảnh báo, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết động thái trả đũa của các quốc gia khác sẽ khiến tình hình leo thang và hậu quả là giá cả tiếp tục tăng cao đáng kể cho người tiêu dùng.
Thông tin từ Nhà Trắng nói thêm, thuế quan có đi có lại không áp dụng cho một số mặt hàng nhất định như đồng, dược phẩm, chất bán dẫn, gỗ, vàng, năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Mỹ. Trước đó, chính quyền cho hay mức thuế dành riêng cho ô tô nhập khẩu được công bố tuần trước sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3-4. Cách đây không lâu, ông Trump cũng áp thuế 25% đối với hai mặt hàng thép và nhôm.
Olu Sonola, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Mỹ tại cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, cho biết thuế nhập khẩu thực tế của nước này đã tăng vọt từ 2,5% vào năm 2024 lên 22% dưới thời Tổng thống Trump. Ðây là bước ngoặt không chỉ với nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng lên kinh tế thế giới khi mối lo ngại về thuế quan đã làm chậm hoạt động sản xuất trên toàn cầu nhiều tháng qua. Nếu mức thuế quan này duy trì trong thời gian dài, hầu hết các dự báo tăng trưởng trước đó đều không còn ý nghĩa và nhiều quốc gia có thể sẽ rơi vào suy thoái, ông Sonola cảnh báo.
Quốc tế phản ứng
Mức thuế quan sâu rộng từ Nhà Trắng sau khi công bố đã ngay lập tức gây ra hỗn loạn trên thị trường thế giới, đồng thời vấp phải chỉ trích từ lãnh đạo các quốc gia vốn đang đứng trước nguy cơ chấm dứt kỷ nguyên tự do hóa thương mại đã định hình nên trật tự toàn cầu trong nhiều thập kỷ.
Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc tuyên bố sẽ có biện pháp đối phó song song lời kêu gọi Mỹ lập tức hủy bỏ mức thuế “bắt nạt”. Trong khi đó ở Ðài Loan, các quan chức nói rằng mức thuế 32% với hòn đảo này là “rất vô lý” và cho biết sẽ đưa vấn đề này lên Chính phủ Mỹ. Còn tại Hàn Quốc, quyền Tổng thống Han Duck-soo ra lệnh áp dụng biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các ngành công nghiệp và doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan của Mỹ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính:
Mong phía Mỹ có chính sách thuế phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước
Sáng 3-4, ngay sau khi Tổng thống Mỹ công bố áp thuế đối ứng với hàng hoá của hàng chục nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá tình hình, tác động từ chính sách thuế của Mỹ, thảo luận đưa ra các giải pháp thích ứng với tình hình.
Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành và các Phó Thủ tướng thảo luận, đánh giá tình hình, tác động của việc Mỹ áp thuế, cũng như đề xuất các giải pháp thích ứng với tình hình, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình hiện nay cho thấy cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt hơn, phức tạp hơn, khó đoán định hơn.
Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, tổng thể về chính trị, ngoại giao, kinh tế, giao lưu nhân dân để ứng phó với tình hình.
Việt Nam mong muốn phía Mỹ có chính sách phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, với mong muốn của người dân hai bên và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam là nước đang phát triển, vẫn đang phải khắc phục hậu quả nặng nề, kéo dài sau nhiều năm chiến tranh.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm qua trong bối cảnh đại dịch, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Cùng với việc chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài với phía Mỹ, Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; khai thác thị trường, tài nguyên trong nước. Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là không thay đổi.
MAI QUYÊN (Tổng hợp)