27/04/2025 - 02:24

TP Cần Thơ nghiên cứu cải tiến kỹ thuật nuôi và phát triển thương hiệu mật ong

(CT) - Ngày 26-4, Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố (Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ) thống nhất thông qua đề tài Nghiên cứu cải tiến kỹ thuật chăn nuôi và phát triển thương hiệu mật ong TP Cần Thơ. Đề tài do PGS.TS Lâm Phước Thành làm chủ nhiệm, Trường Đại học Cần Thơ là đơn vị chủ trì.

Theo Ban chủ nhiệm đề tài, nghề nuôi ong Ý (Apis mellifera) và ong Dú (Meliponini) lấy mật đã và đang phát triển mạnh trong những năm gần đây và nhận được sự quan tâm rất lớn của các bộ, ngành và người dân. Trong đó, ong Ý là loài ong mật có ngòi đốt, phổ biến và được ưa chuộng vì tỷ lệ mật cao, dễ quản lý, ít bỏ đàn. Ong Dú có khả năng thụ phấn tốt, tiêu thụ ít thức ăn bổ sung, ít bỏ đàn và mật ong chất lượng cao. Tuy nhiên, các nghiên cứu về nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng mật của ong ở Việt Nam, đặc biệt ở ĐBSCL còn ít, chưa đáp ứng tương xứng với yêu cầu kỹ thuật mà ngành nuôi ong mật nước ta đặt ra.

Từ thực tế đó, đề tài hướng đến mục tiêu tuyển chọn và nhân giống thành công các đàn ong Ý và ong Dú có năng suất cao và chất lượng mật ổn định; cải tiến kỹ thuật chăn nuôi để nâng cao năng suất và ổn định chất lượng của mật ong Ý và ong Dú; từ đó đẩy mạnh phong trào nuôi ong mật tại TP Cần Thơ. Ngoài ra, đề tài còn tập trung phát triển thương hiệu của mật ong Ý và ong Dú thành phố Cần Thơ theo hướng sản phẩm OCOP.  

Để đạt mục tiêu đề ra, đề tài tập trung vào các nội dung nghiên cứu: điều tra hiện trạng chăn nuôi ong Ý và ong Dú ở ĐBSCL; tuyển chọn và nhân giống các đàn ong Ý và ong Dú có năng suất và chất lượng mật cao; nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi thùng kế để nâng cao chất lượng của mật ong; nghiên cứu bổ sung các loại thức ăn để nâng cao năng suất của mật ong Dú…

Kinh phí thực hiện đề tài dự kiến khoảng 800 triệu đồng, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ thành phố.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết