02/05/2025 - 14:44

Nguồn tài chính của các đại học tinh hoa Mỹ đến từ đâu? 

Chỉ vài tháng sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump bắt đầu chiến dịch cắt giảm nguồn tài trợ liên bang nhắm vào các trường đại học tinh hoa. Động thái đó khiến nhiều trường hàng đầu nước này phải đối mặt với nguy cơ mất đi hàng tỉ USD tài trợ trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Vậy liệu các trường có thể hoạt động nếu không có tài trợ của chính phủ liên bang?

Quang cảnh một buổi lễ tốt nghiệp tại Đại học Harvard.  Ảnh: Harvard.edu

Trong quá khứ, nguồn tài trợ liên bang dành cho các trường đại học danh tiếng Mỹ đã có từ Cuộc đại khủng hoảng kinh tế (giai đoạn 1929-1933) và được củng cố trong Chiến tranh Lạnh. Năm 1958, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Giáo dục Quốc phòng để ứng phó việc Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik. Động thái sau đó khởi xướng cho các khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực khoa học - công nghệ. 

Nguồn tài trợ liên bang đã đặt nền tảng cho mối quan hệ đối tác lâu dài, mà trong đó chính phủ liên bang giúp các trường trở thành các trung tâm nghiên cứu, đổi mới và quy tụ nhân tài toàn cầu. Như trong năm 2023, các trường cao đẳng và đại học Mỹ đã chi 109 tỉ USD cho nghiên cứu khoa học và phát triển. Trong đó, 60 tỉ USD được chính phủ liên bang cấp.

Khác với nhiều quốc gia khác, Mỹ không có trường đại học quốc gia, mà nền giáo dục chủ yếu là trách nhiệm của các bang, trong khi các trường tinh hoa dựa vào một mạng lưới doanh thu phức tạp để hoạt động, đặc biệt là nhờ vào các quỹ tài trợ. Nghĩa là nguồn tài trợ của chính phủ liên bang chỉ là một phần tài chính của các trường. Như vào năm 2024, quỹ tài trợ của Đại học Harvard đạt 53 tỉ USD, trở thành quỹ tài trợ lớn nhất trong số tất cả các trường đại học trên toàn cầu, thậm chí vượt qua tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia như Jordan, Georgia hoặc Iceland. Theo sát phía sau là Đại học Texas, Đại học Yale, Đại học Stanford, Đại học Princeton và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), với nguồn quỹ tài trợ từ 23 tỉ USD đến hơn 40 tỉ USD.

Tuy vậy, các quỹ tài trợ không phải là “dây cứu sinh” vô hạn của các trường. Bởi hầu hết tiền được giữ trong các quỹ chịu sự hạn chế từ nhà tài trợ, tức phải được phân bổ hợp pháp cho các mục đích cụ thể như cấp học bổng, khen thưởng chức danh giáo sư hoặc các sáng kiến ​​nghiên cứu có mục tiêu. Chẳng hạn, quỹ tài trợ của Đại học Harvard bao gồm hơn 14.600 quỹ riêng lẻ, nhưng hầu hết bị ràng buộc bởi quy định từ các nhà tài trợ.

Mặc dù các chiến dịch gây quỹ nổi bật có thể giúp các trường thu về hàng tỉ USD, nhưng hầu hết các khoản đóng góp đều được dành cho các dự án dài hạn như xây tòa nhà mới, thuê vị trí giảng viên được tài trợ hoặc phát triển chương trình học thuật, chứ không phải cho các trường hợp khẩn cấp hoặc thiếu hụt ngân sách đột ngột. Như trong đại dịch COVID-19, nhiều trường phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tài chính mặc dù có nguồn quỹ lớn. Lý do là phần lớn nguồn vốn bị “khóa” trong các dự án dài hạn và không thể tự do tiếp cận.

Trong khi đó, doanh thu từ học phí chỉ trang trải một phần chi phí hoạt động của các trường đại học tư thục danh tiếng. Các khoản thu phụ trợ khác (như nhà ở trong khuôn viên trường và ăn uống) thường được tái đầu tư vào các chức năng học thuật cốt lõi, thay vì các khoản chi tùy chọn của trường.

Bất chấp việc có các nguồn tài trợ khổng lồ và mạng lưới doanh thu đa dạng, khả năng dẫn đầu trong nghiên cứu toàn cầu của các trường đại học hàng đầu Mỹ vẫn gắn chặt với nguồn tài trợ quốc gia. Và sự phụ thuộc đó hiện đang được thử thách trước chiến dịch cắt giảm ngân sách nghiên cứu của Chính phủ Mỹ. Được biết, Trường Y thuộc Đại học Harvard đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng sa thải nhân sự, chấm dứt hợp đồng thuê một số tòa nhà và đình chỉ một số khoản tài trợ nghiên cứu.

Chính quyền Trump đã cố gắng đưa nhiều trường đại học hàng đầu “vào khuôn khổ” của chính phủ vì cho rằng họ dung túng cho chủ nghĩa bài Do Thái, đồng thời đe dọa đóng băng nguồn tài trợ liên bang, quy chế miễn thuế và quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của họ. Tuy nhiên, Đại học Harvard đã kiên quyết không nhượng bộ, cáo buộc chính phủ đe dọa tính độc lập của trường và là nơi đầu tiên đệ đơn kiện để phản ứng với chính quyền Trump. Hơn 200 hiệu trưởng của các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ đã cùng ký vào một tuyên bố nhằm phản đối sự can thiệp ngày càng sâu rộng từ chính quyền Trump vào lĩnh vực giáo dục đại học.

 

NGUYỆT CÁT (Theo DW)

Chia sẻ bài viết