Cuộc chiến ở Ukraine và mức chi tiêu dành cho quân sự ngày càng tăng của các chính phủ đã khiến các công ty quốc phòng Anh như BAE Systems, Chemring hay Avon Protection có nhiều đơn đặt hàng hơn. Giới phân tích cho rằng nếu Anh và Liên minh châu Âu (EU) ký một hiệp ước quốc phòng và an ninh mới thì các công ty quốc phòng xứ sương mù sẽ hưởng lợi nhiều hơn.

Chủ tịch EC von der Leyen (trái) và Thủ tướng Anh Starmer tại cuộc gặp hôm 24-4. Ảnh: AFP
Theo kế hoạch, một thỏa thuận mới giữa London và Brussels dự kiến sẽ được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Anh vào ngày 19-5 tới - bước ngoặt quan trọng trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động sâu sắc và là cơ hội để hai bên “thiết lập lại” quan hệ sau nhiều năm căng thẳng hậu Brexit. Thỏa thuận này được cho có thể mở đường cho các công ty Anh tham gia chương trình quốc phòng chung SAFE của EU trị giá 150 tỉ euro (tương đương 170 tỉ USD) nhằm tài trợ cho việc mua sắm vũ khí và thiết bị quân sự như tên lửa, thiết bị bay không người lái, pháo binh và đạn dược.
Hôm 24-4 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã có cuộc gặp với Thủ tướng Anh Keir Starmer tại thủ đô London để luận bàn về các yếu tố của hiệp ước. Hai bên tập trung thảo luận các chủ đề then chốt như tình hình Ukraine, an ninh năng lượng, kinh tế toàn cầu và hợp tác quốc phòng. Sau cuộc gặp, một phát ngôn viên của Chính phủ Anh cho biết đàm phán đã đạt được “tiến triển tích cực” dù chưa công bố chi tiết cụ thể về hiệp ước. Về phần mình, bà von der Leyen trên mạng xã hội X bày tỏ kỳ vọng vào “tiềm năng lớn cho hợp tác sâu rộng hơn” trong các lĩnh vực như năng lượng, di cư và đặc biệt là an ninh quốc phòng.
Kevin Craven, Giám đốc điều hành ADS, nhóm thương mại công nghiệp của Anh, nhận định việc London ký hiệp ước quốc phòng với Brussels đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh của Anh. Theo ADS, kim ngạch xuất khẩu quốc phòng hằng năm của Anh đạt khoảng 9,5 tỉ bảng. Đáng chú ý, khoảng 1/3 trong số này, tức 3,2 tỉ bảng, được xuất sang các nước EU.
Ông Craven cho rằng các công ty quốc phòng Anh “sẽ hưởng lợi rất nhiều” nếu London có thể tham gia chương trình quốc phòng chung SAFE của EU. Đổi lại, việc EU hợp tác quốc phòng với Anh cũng sẽ giúp khối gồm 27 quốc gia thành viên này “hưởng lợi”, bởi trước Brexit, Anh chiếm khoảng 20% tổng năng lực quân sự trong EU. “Tôi nghĩ Anh là một phần không thể thiếu của nền quốc phòng châu Âu” - René Obermann, chủ tịch hãng sản xuất máy bay Airbus, nhận định.
Kể từ khi rời khỏi EU, ngành công nghiệp quốc phòng của Anh thực tế đã bị loại khỏi một số hoạt động nhất định, gồm Quỹ Quốc phòng châu Âu trị giá gần 8 tỉ euro. Song, kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 7 năm ngoái, Công đảng đã nỗ lực tái xây dựng quan hệ với các đồng minh châu Âu sau những căng thẳng thời hậu Brexit.
Tuy nhiên, chính việc Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng đã khiến Anh và EU nhanh chóng xích lại gần nhau hơn. Chính cách tiếp cận cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng đối với Ukraine cũng như thái độ lạnh nhạt của ông đối với EU rằng khối này cần phải tự “móc hầu bao” cho an ninh của khối đã khiến London và Brussels tìm đến nhau.
Lâu nay, Anh có mối quan hệ gần gũi với nhiều nước EU. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Đức và Anh là nhà cung cấp hỗ trợ quân sự lớn thứ hai và thứ ba cho Ukraine sau Mỹ. Kể từ năm 2022, Berlin và London lần lượt cung cấp cho Kiev 15 tỉ euro và 14 tỉ euro. Hai nước này cũng là những nước chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng ở châu Âu.
Trong khi đó, Anh có mối quan hệ quốc phòng đặc biệt chặt chẽ với Pháp. Hai nước này là những quốc gia châu Âu duy nhất, ngoài Nga, có vũ khí hạt nhân và có các căn cứ quân sự trên toàn thế giới. “Pháp và Anh có thể hợp tác bình đẳng. Về mặt quốc phòng, mối quan hệ Pháp - Anh là duy nhất và không thể thiếu” - Luc-André Brunet, giảng viên cao cấp về lịch sử quốc tế đương đại tại Đại học Mở Milton Keynes, cho biết.
Brexit đã để lại sự chia rẽ sâu sắc giữa Anh và phần còn lại của châu Âu. Trong các cuộc đàm phán về Brexit, Anh không muốn có bất kỳ quan hệ đối tác an ninh nào với EU mặc dù Brussels muốn. “Họ chỉ muốn hiệp ước bao gồm các vấn đề như thương mại, năng lượng và nghề cá. Thực sự là cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Anh và EU xích lại gần nhau hơn” - Georgina Wright, thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall Đức, cho hay.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)