02/05/2025 - 08:59

Rau quả xuất khẩu gặp khó, nhà nông lo âu 

Cuối năm 2024, khi xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục 7,12 tỉ USD, thì các ngành chức năng tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu 8 tỉ USD cho ngành rau quả trong năm 2025. Tuy nhiên, ngay quý I-2025, xuất khẩu rau quả quay đầu sụt giảm liên tục, từ đó kéo giá cả trái cây, rau màu trong nước sụt giảm...

Phân loại bưởi da xanh phục vụ xuất khẩu ở doanh nghiệp Hương Miền Tây (Bến Tre).

Nhiều loại trái cây giá giảm mạnh

Ở các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, TP Cần Thơ… đang vào vụ thu hoạch sầu riêng nhưng không khí khá trầm lắng bởi ảnh hưởng xuất khẩu khó khăn. Là nông dân có thâm niên trồng sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), ông Nguyễn Văn Minh cho biết, thời điểm này năm 2024 ngày nào cũng có thương lái "săn lùng" mua sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Họ mua sầu riêng Ri6 loại tốt từ 110.000-132.000 đồng/kg, nhà vườn lời từ khoảng 1,5 tỉ đồng/ha trở lên. Trong khi hiện nay giá sầu riêng Ri6 giảm xuống còn 34.000-45.000 đồng/kg (tùy loại), khiến lợi nhuận của nông dân giảm mạnh so cùng kỳ. Bà Nguyễn Thị Thinh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), nhìn nhận: "Khoảng tháng nay giá sầu riêng liên tục giảm làm cho các thành viên của HTX vô cùng lo lắng. Nếu như hồi năm ngoái 100% hộ trồng sầu riêng đều thu lời đậm, thì năm nay khó khăn hơn rất nhiều bởi tình hình xuất khẩu trở ngại". Theo bà Thinh, hơn 200ha sầu riêng của HTX đang thu hoạch nhưng hiệu quả mang lại không cao do giá cả hiện thời rất thấp so với cùng kỳ.

Tại TP Cần Thơ, nhiều hộ trồng sầu riêng cũng kém vui vì giá thấp. Ông Trần Văn Thanh, thành viên HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long (huyện Phong Ðiền) lo lắng, nói: "Mấy năm trước giá sầu riêng luôn ở mức cao nên tới vụ thu hoạch là lời to, vì vậy nhiều nơi ùn ùn mở rộng diện tích. Nay, sầu riêng giảm giá mạnh, dù nông dân chưa thua lỗ nhưng lợi nhuận giảm theo; càng lo hơn là thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe trong kiểm tra an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng… nếu chúng ta không ứng phó kịp thời thì hệ lụy khó tránh khỏi".

Không chỉ sầu riêng mà những hộ trồng bưởi da xanh xuất khẩu ở các tỉnh ÐBSCL cũng lo lắng về giá thấp. Bà Hồ Thị Bê, ngụ xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, cho hay: "Những năm trước thương lái vào thu mua bưởi da xanh xuất khẩu tại vườn với giá 40.000-70.000 đồng/kg, tuy nhiên từ sau Tết Nguyên đán 2025 thì giá bưởi giảm còn 10.000-15.000 đồng/kg đẩy bà con vào thua lỗ. Gần đây thương lái mua bưởi khoảng 20.000-25.000 đồng/kg, nhưng nông dân chưa có lợi nhuận được nhiều bởi chi phí đầu tư tăng cao". Nguyên nhân khiến giá bưởi da xanh giảm là do tình hình xuất khẩu gần đây khó khăn, trong đó thị trường Trung Quốc và các thị trường khác bị chậm hơn những năm trước; giá xuất cũng giảm khoảng 15-20%...

Mạnh dạn thay đổi, thích ứng tình hình mới

Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định, giá một số mặt hàng nông sản giảm là do tác động của xuất khẩu khó khăn; cụ thể quý I-2025 kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ đạt 1,1 tỉ USD, giảm 11,3% so cùng kỳ năm trước; điều này trái ngược so với xuất khẩu tấp nập của cùng kỳ năm 2024.

Cần thấy rằng, thời gian qua Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu rau quả chủ lực của Việt Nam; sau đó mới tới các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Australia, Malaysia, Hà Lan, Anh… Tuy nhiên, từ đầu năm 2025, phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra sầu riêng nhập khẩu (từ Thái Lan, Việt Nam…) phải đạt tiêu chuẩn dư lượng cadimi và chất vàng 0, tại các phòng thí nghiệm được ngành chức năng Trung Quốc công nhận. Từ việc tăng cường kiểm tra 100% lô sầu riêng như trên làm cho việc xuất khẩu bị chậm, tốn nhiều chi phí và thời gian ở cửa khẩu; đồng thời những lô sầu riêng không đạt thì phải quay đầu về…

Ông Võ Tấn Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang tiết lộ, tình hình xuất khẩu vô cùng trở ngại do các doanh nghiệp lo lắng bị nhiễm cadimi và chất vàng 0. Nên hiểu rằng, khi doanh nghiệp mua được 1 container khoảng 20 tấn sầu riêng thì phải mua của hàng chục chủ vườn và HTX khác nhau. Từng chủ vườn sẽ có quy trình chăm sóc, phân bón… khác nhau và điều kiện đất khác nhau, nên chất lượng sẽ khác nhau. Do doanh nghiệp không cách nào kiểm tra mẫu toàn bộ mấy chục tấn sầu riêng được mà chỉ kiểm tra dạng "đại diện", do đó khi xuất sang thị trường Trung Quốc thì họ kiểm tra lại sẽ dễ phát hiện những trái bị nhiễm cadimi. Chính từ việc xuất khẩu sầu riêng bị chậm đã kéo tình hình chung của rau quả xuất khẩu giảm theo, bởi sầu riêng chiếm tỷ trọng gần 50% về kim ngạch. "Cadimi nhiễm trong đất mà đa phần từ phân bón; vì vậy ngành chức năng cần đưa ra những mô hình mẫu về canh tác an toàn để nông dân, HTX áp dụng và doanh nghiệp cùng liên kết để đảm bảo sản lượng sầu riêng xuất khẩu đúng tiêu chuẩn…", ông Lợi đề xuất.

Lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) lưu ý, hiện nay không chỉ Trung Quốc, nhiều thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada… đều siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu. Ðiều này buộc chúng ta phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng, nếu muốn ngành rau quả về đích 8 tỉ USD trong năm 2025 và vươn xa hơn trong những năm tiếp theo. Theo đó, chất lượng rau quả phải được đặt lên hàng đầu và cần liên tục đầu tư để nâng cao nhằm đáp ứng phù hợp theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở ÐBSCL: "Chúng ta giờ không còn "một mình một chợ" khi xuất khẩu một số mặt hàng là lợi thế như bưởi da xanh, khoai lang tím… sang Trung Quốc, cũng như các thị trường khác, bởi chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ nhiều quốc gia xuất khẩu nông sản trên thế giới. Do đó, để giữ thị phần và tăng thêm thị trường mới thì yếu tố chất lượng cao, giá thành thấp là mấu chốt để cạnh tranh, tồn tại". Ở Bến Tre, doanh nghiệp kinh doanh trái cây Hương Miền Tây phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, các hợp tác xã… nhằm mở rộng liên kết sản xuất bưởi da xanh xuất khẩu. Doanh nghiệp sẽ cùng các ngành chuyên môn hỗ trợ nông dân, HTX kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ; đồng thời xây dựng mã số vùng trồng theo nhu cầu của từng thị trường nhập khẩu đưa ra. Phải kiểm soát được vùng đất, nguồn nước, vật tư đầu vào, ứng dụng quy trình canh tác hiện đại… thì sản phẩm rau quả của chúng ta mới vượt qua được sự kiểm nghiệm nghiêm ngặt của những thị trường khó tính…

Theo Vinafruit, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của cả nước đạt 3,25 tỉ USD, đến năm 2022 đạt 3,34 tỉ USD; năm 2023  ngành hàng rau quả thành công khi xuất khẩu tới 5,6 tỉ USD; năm 2024 rau quả đạt kỷ lục 7,12 tỉ USD, trong đó mặt hàng sầu riêng mang về 3,4 tỉ USD. Dù vậy, nhiều ý kiến lo ngại khi xuất khẩu rau quả bộc lộ 2 điểm yếu là phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và mặt hàng chủ lực sầu riêng. Cụ thể, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, khi Trung Quốc tăng cường kiểm tra cadimi và chất vàng 0 khiến sầu riêng gặp khó, ngay lập tức kim ngạch xuất khẩu rau quả đã giảm liên tục…

Trước thực trạng cam sành ở các tỉnh ÐBSCL thường rớt giá, khó tiêu thụ; mới đây Mạng lưới ngân hàng thực phẩm Việt Nam (Food Bank Việt Nam) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long ra mắt dự án xây dựng hệ sinh thái bền vững cho cam sành. Ðây là dự án nằm trong chương trình "Cam xanh nghĩa tình", nhằm tháo gỡ ùn ứ cam sành; mở cơ hội phát triển bền vững hơn cho nông dân. Cụ thể, dự án vừa hỗ trợ tiêu thụ cam khi rớt giá, đồng thời giúp nông dân làm chủ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ với thông điệp "Từ trang trại đến ngân hàng thực phẩm". Phát triển chuỗi giá trị từ canh tác, chế biến đến tiêu thụ cam sành căn cơ hơn; chú trọng chế biến nước ép, mứt, tinh dầu, snack… hay phân bón hữu cơ từ phụ phẩm cam sành nhằm gia tăng giá trị và mở ra việc tiêu thụ sản phẩm chế biến.

Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH

Chia sẻ bài viết