Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang đẩy mạnh nỗ lực kêu gọi hỗ trợ quân sự, không chỉ từ các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) mà còn từ những đồng minh tiềm năng khác trong bối cảnh Kiev tìm kiếm cơ hội chấm dứt xung đột với Nga vào năm tới.
Tổng thống Zelensky (trái) gặp Thủ tướng Croatia Plenkovic khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - Đông Nam Âu. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - Ðông Nam Âu lần thứ 3 ở thành phố Dubrovnik của Croatia hôm 9-10, Tổng thống Zelensky lạc quan tin tưởng các bên đang có cơ hội hướng tới hòa bình và ổn định lâu dài. Theo ông Zelensky, hành động quyết định có thể được đưa ra trong 3 tháng cuối năm hoặc chậm nhất vào năm 2025 để chấm dứt cuộc xung đột một cách công bằng.
Ông Zelensky không nêu lý do đằng sau cơ hội như vậy nhưng giới quan sát cho rằng tinh thần này có thể dựa vào việc Kiev chuẩn bị sẵn sàng để vận động cho “kế hoạch chiến thắng” tại các hội nghị chuyên đề trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu của Tổng thống Zelensky. Tuy nhiên, có tin hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Ukraine tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Ðức dự kiến diễn ra vào ngày 12-10 bị hoãn lại. Ngoài ra, kế hoạch tổ chức hội nghị lần 2 tại Kiev về giải quyết xung đột Ukraine vào tháng 11 cũng khó có khả năng diễn ra (hội nghị lần 1 tổ chức ở Thụy Sĩ hồi tháng 6 mà không có sự tham dự của Nga). Trong nỗ lực duy trì liên lạc với các nhà lãnh đạo khu vực, Tổng thống Zelensky cho biết sẽ tổ chức họp riêng với lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Ý và Ðức nhằm thúc đẩy viện trợ quân sự. Ông cũng có cuộc gặp với tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte.
Trước đó, tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ở Croatia lên án hành động của Nga đồng thời ủng hộ “độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine. Tuyên bố tái khẳng định “cam kết không lay chuyển” trong việc tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhiều mặt cho Ukraine và người dân nước này về lâu dài. Theo lời Tổng thống Zelensky, Ukraine đang trông cậy vào viện trợ của các đồng minh quan trọng để chống lại lợi thế về nhân lực và đạn dược của Nga. Như đánh giá của giới quan sát, Kiev đang “rất bất ổn” trước thềm cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 5-11 tới ở Mỹ, sự kiện có thể đưa cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Dựa trên quan điểm lâu nay của ông Trump về việc nhanh chóng tìm cách chấm dứt cuộc chiến ở Ðông Âu, nhiều người ủng hộ Kiev không chỉ lo ngại nguy cơ Ukraine bị giảm hỗ trợ quân sự mà còn phải chấp nhận những nhượng bộ bất công.
Trái với bất an về Ukraine, Mát-xcơ-va những tháng gần đây liên tục đạt lợi thế trên chiến trường và đang tiến gần trung tâm hậu cần quan trọng Pokrovsk ở khu vực Donetsk. Hiện lực lượng Nga nắm giữ gần 20% lãnh thổ Ukraine, trong khi quân đội Kiev kiểm soát một phần nhỏ lãnh thổ Nga bên kia biên giới sau 2 tháng tiến hành tấn công khu vực Kursk. Trong tình hình này, Tổng thống Zelensky tích cực vận động các đồng minh đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Ukraine và cho phép nước này sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong Nga. Ngoài quân sự, Kiev còn kêu gọi các nước chung tay nỗ lực tái thiết Ukraine.
Trong diễn biến liên quan, các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) vừa “bật đèn xanh” cấp cho Ukraine khoản vay 38 tỉ USD để hỗ trợ nền kinh tế bị tàn phá. Khoản ngân sách này là một phần trong sáng kiến rộng lớn hơn của các đồng minh trong Nhóm các nước công nghiệp phá triển (G7), hỗ trợ Kiev khoản vay 50 tỉ USD bằng cách sử dụng tài sản đang bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga làm tài sản thế chấp.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian)