03/11/2024 - 14:14

Báo động “mối đe dọa chưa từng có” do biến đổi khí hậu 

Theo báo cáo công bố gần đây của Tạp chí Lancet Countdown về sức khỏe và biến đổi khí hậu, lượng khí thải do sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang khiến nhiệt độ Trái đất tăng lên mức nguy hiểm mới, làm gia tăng tính cực đoan của thiên tai và gây ra mối đe dọa chưa từng thấy đối với sức khỏe người dân trên toàn thế giới.

Hạn hán nghiêm trọng tàn phá rừng Amazon. Ảnh: Reuters

Báo cáo thường niên được tuần san y khoa uy tín của Anh tổng hợp dựa trên công trình nghiên cứu của hàng chục chuyên gia, tổ chức học thuật cùng nhiều cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ), bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới. Cụ thể, báo cáo cho biết năm nóng nhất được ghi nhận 2023 đã phá vỡ kỷ lục về biến đổi khí hậu với những đợt sóng nhiệt khắc nghiệt cùng nhiều vụ cháy rừng tàn khốc ảnh hưởng đến người dân toàn cầu. Cũng trong năm này, con người phải đối mặt với 50 ngày nhiệt độ đe dọa sức khỏe chưa từng có nếu so với điều kiện không có cuộc khủng hoảng khí hậu. Người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương với số ca tử vong liên quan nhiệt độ cao ở nhóm người trên 65 tuổi tăng 167% so với những năm 1990. 

Không chỉ gia tăng số ca tử vong, nhiệt độ cao còn góp phần tăng nguy cơ bệnh tật và các bệnh lý liên quan, chẳng hạn như tình trạng mất ngủ. Năm ngoái, nghiên cứu của Đại học San Diego (Mỹ) cho thấy thời tiết nóng lên khiến con người mất khoảng 44 giờ ngủ mỗi năm do khó vào giấc. Khi tình trạng nóng lên tiếp tục diễn ra, mô hình khoa học dự đoán thời lượng giấc ngủ ngon sẽ giảm hơn nữa, nhất là ở người già và cộng đồng thu nhập thấp. Thời tiết trở nên nóng và khô hơn còn thúc đẩy hình thành bão cát và bụi, dẫn tới số người tiếp xúc mật độ cao các hạt bụi nguy hiểm tăng 31%. Để bảo vệ sức khỏe người lao động, các công ty buộc phải hạn chế làm việc ngoài trời. Ước tính, đợt nắng nóng khắc nghiệt năm ngoái khiến thế giới mất đi 512 tỉ giờ lao động tiềm năng, tương đương hàng trăm tỉ USD thu nhập.

Nhiệt độ cao dẫn tới hạn hán khắc nghiệt còn ảnh hưởng 48% diện tích đất toàn cầu, làm giảm chất lượng thực phẩm. Kết quả là sẽ có thêm 151 triệu người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng so với giai đoạn 1981-2010, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cùng vô vàn tác hại khác cho sức khỏe. Bên cạnh nạn hạn hán, lượng mưa lớn vào năm ngoái cũng làm ảnh hưởng khoảng 60% diện tích đất đai, gây ra lũ lụt và làm tăng nguy cơ ô nhiễm nước hoặc bệnh truyền nhiễm.

Trong diễn biến liên quan, Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cảnh báo với các chính sách hiện tại, thế giới đang trên đà chứng kiến ​​mức nóng lên “thảm khốc” khi nhiệt độ Trái đất được dự báo tăng từ 2,6°C đến 3,1°C vào cuối thế kỷ này. Theo báo cáo của UNEP, lượng khí nhà kính liên quan năng lượng toàn cầu năm 2023 cao hơn 1,3% so với năm 2022 và đạt mức cao nhất mọi thời đại. Tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch trong tổng nguồn cung năng lượng toàn cầu cũng tăng lần đầu tiên sau một thập kỷ vào năm 2021, chiếm tới 82%. Với tình hình này, UNEP cảnh báo ngay cả khi các quốc gia thực hiện kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu cho đến năm 2030, nhiệt độ vẫn sẽ tăng từ 2,6°C đến 2,8°C. Nếu không có hành động cứng rắn, mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ “sớm trở nên vô nghĩa”.

Trong bối cảnh trên, UNEP cho biết cần có một nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trên toàn cầu để cắt giảm khí nhà kính gây ra tình trạng nhiệt độ tăng cao, bắt đầu từ hôm nay. Trước mắt, các quốc gia phải cùng nhau cam kết cắt giảm 42% lượng khí thải nhà kính hàng năm vào năm 2030 và 57% vào năm 2035 nếu muốn hạn chế nhiệt độ Trái đất tăng thêm 1,5°C. Về mặt kỹ thuật, có thể thực hiện mục tiêu này bằng cách chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch và tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, đẩy mạnh cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng đi cùng các biện pháp bảo vệ cũng như phục hồi môi trường sống tự nhiên.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết