Thời điểm Hàn Quốc trở thành tấm gương điển hình trong kiểm soát đại dịch COVID-19, các bác sĩ xứ kim chi từng được ca ngợi là những người hùng áo trắng. Nhưng hình ảnh của họ đang xấu đi trong mắt công chúng sau làn sóng đình công từ tháng 2-2024 để phản đối kế hoạch tăng hạn ngạch tuyển sinh vào trường y.
Cuộc đình công của các bác sĩ thực tập tại Hàn Quốc đã kéo dài hơn 9 tháng. Ảnh: Yonhap
Mâu thuẫn giữa các bác sĩ và Chính phủ Hàn Quốc xoay quanh kế hoạch tăng thêm 2.000 sinh viên trong chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y trong năm 2025, tức lên mức hơn 5.000 sinh viên so với chỉ tiêu tuyển sinh hiện tại là 3.058 sinh viên. Hơn 10.000 bác sĩ mới ra trường đã bỏ việc và một số lượng tương tự sinh viên y khoa đã nghỉ học từ tháng 2. Các giáo sư y khoa cũng tham gia biểu tình.
Theo giới chức, chính sách tuyển sinh mới nhằm mục đích tăng số lượng bác sĩ trong các lĩnh vực y tế cốt lõi và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe. Dữ liệu thống kê y tế năm 2023 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy tỷ lệ bác sĩ tại Hàn Quốc là 2,2/1.000 người dân - thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,7 của các quốc gia thành viên OECD.
Nhưng các bác sĩ lại cho rằng tăng hạn ngạch tuyển sinh không phải là giải pháp để có nhiều bác sĩ hơn ở các vùng bên ngoài thủ đô Seoul, cũng như sẽ không giúp thu hút thêm bác sĩ tương lai vào các chuyên khoa không được ưa chuộng. Họ còn dẫn chứng việc Hàn Quốc đã có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc ngoại trú cao hơn so với 37 nước thành viên OECD khác.
Ðến nay, mâu thuẫn giữa các bác sĩ và chính phủ đã kéo dài hơn 9 tháng và tiếp tục gây gián đoạn các dịch vụ y tế trên toàn quốc. Bất chấp các cuộc thảo luận đang diễn ra, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Hôm 18-6, Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA, nhóm bác sĩ lớn nhất đất nước với hơn 140.000 thành viên), đã phát động cuộc đình công kéo dài một ngày, bất chấp lệnh của chính phủ yêu cầu trở lại làm việc.
Trong khi đó, Giáo sư Lee Ju-yu tại Ðại học Namseoul cho hay: “Mối căng thẳng mới nhất giữa các bác sĩ và chính phủ đã khiến công chúng có ấn tượng rằng các bác sĩ là một nhóm ích kỷ và độc quyền, cần phải đàm phán trong mọi việc”. Nhiều bệnh nhân cảm thấy như họ bị bác sĩ phản bội, một số cho rằng họ đã bị bác sĩ đối xử như “những con bài mặc cả” với chính phủ.
Không phải lần đầu
Ðây không phải là lần đầu tiên các bác sĩ Hàn Quốc đình công để phản đối chính sách của chính phủ. Lực lượng này từng tổ chức đình công lớn vào các năm 2000, 2014 và 2020 để phản đối các chính sách cải tổ hệ thống y tế của chính phủ. Như hồi năm 2020, chính quyền dưới thời Tổng thống Moon Jae-in từng cố gắng áp dụng chính sách hạn ngạch tuyển sinh y khoa tương tự, nhằm tăng số lượng sinh viên y khoa lên 4.000 người trong 10 năm. Nhưng chính phủ sau đó đã hủy bỏ kế hoạch, sau khi các bác sĩ và sinh viên trường y tiến hành cuộc biểu tình kéo dài
1 tháng.
Tuy vậy, cuộc đình công lần này dài nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Căng thẳng giữa bác sĩ, bệnh nhân và chính phủ được cho là dữ dội hơn so với các cuộc đình công trước đó. Lập trường của các bác sĩ cực đoan hơn, tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ quyết định nào mà chính phủ đưa ra.
Về phần mình, các bác sĩ tuyên bố họ đang bị chính phủ bôi nhọ hình ảnh, khiến công chúng ngần ngại hơn khi đứng về phía họ. Trước cáo buộc lợi dụng bệnh nhân làm đòn bẩy, các bác sĩ chỉ ra những hy sinh trong đại dịch COVID-19 và khẳng định họ vẫn luôn giữ lời thề Hippocrates. Ngoài ra, các bác sĩ cũng lập luận rằng tiền lương của họ được trả từ chi phí y tế, do đó, việc tăng số lượng bác sĩ sẽ kéo theo gánh nặng về chi phí và điều trị không cần thiết.
NGUYỆT CÁT (Theo Korea Herald)