Do không có thêm viện trợ từ Mỹ và đang hứng chịu tấn công từ Nga, Ukraine đã buộc phải thay đổi cách tiếp cận. Ukraine đang yêu cầu Washington cho phép châu Âu mua vũ khí của nước này để cung cấp cho Kiev.

Hệ thống pháo HIMARS của Mỹ khai hỏa. Ảnh: U.S. Army
Theo các nguồn thạo tin ngày 2-7, một số chính phủ châu Âu đang xem xét các kế hoạch mua vũ khí do Mỹ sản xuất từ ngân sách quốc phòng của họ để chuyển cho Ukraine. Số tiền này sẽ được tính vào khoản chi tiêu quân sự mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mặc dù vẫn chưa có cam kết chắc chắn. Những đợt chuyển giao vũ khí này cần có sự chấp thuận từ Chính phủ Mỹ. Ý tưởng này xuất hiện trong bối cảnh châu Âu cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và tìm kiếm các giải pháp linh hoạt hơn để thực hiện kế hoạch.
Cách tiếp cận mới lạ trên đã được thảo luận vào cùng thời điểm chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ngừng cung cấp một số vũ khí từng cam kết viện trợ cho Ukraine, bao gồm tên lửa phòng không Patriot và đạn pháo nổ mạnh. Các hệ thống như Patriot, Stinger và đạn pháo 155mm là “xương sống” giúp Ukraine đối phó các cuộc tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga. Lầu Năm Góc lo ngại rằng kho vũ khí của Mỹ đang cạn kiệt và đã ra lệnh đóng băng một phần viện trợ.
Tuy nhiên, một khúc mắc tiềm ẩn trong cách tiếp cận của Ukraine là liên quan đến những hạn chế mà Mỹ thường áp đặt đối với các nước đồng minh sử dụng vũ khí của nước này. Khi Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, tên lửa Storm Shadow của Anh đã bị trì hoãn chuyển cho Kiev vì có chứa các linh kiện của Mỹ. Một phần của cuộc đàm phán sẽ tập trung tháo gỡ rào cản này.
Trong tháng 3 và 4, Mỹ đã không phân bổ bất kỳ khoản viện trợ mới nào cho Ukraine. Viện Kiel (Đức) tháng rồi phát hiện lần đầu tiên kể từ tháng 6-2022, các nước châu Âu đã vượt qua Mỹ về tổng viện trợ quân sự, tổng cộng là 85 tỉ USD so với 77 tỉ USD từ Washington.
Anh, Canada và các quốc gia châu Âu đã chung tay tăng viện trợ cho Ukraine lên tới gần 23,5 tỉ USD trong quý I/2025 và sẽ cung cấp thêm 40,6 tỉ USD viện trợ quân sự trong phần còn lại của năm nay.
Tuy nhiên, các đồng minh châu Âu gặp hạn chế về khả năng cung cấp cho Kiev các loại vũ khí quan trọng, đặc biệt là phòng không. “Do một số loại vũ khí sống còn đối với chúng tôi chỉ có thể được sản xuất ở Mỹ, nên chúng tôi và các đối tác châu Âu sẵn sàng mua chúng”, một quan chức Ukraine giải thích.
Các đồng minh châu Âu của Ukraine có thể lấp đầy một số khoảng trống và cung cấp các hệ thống pháo. Nhưng họ thiếu các giải pháp thay thế cho tên lửa của HIMARS và hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất. Năm 2022, Mỹ đã tài trợ cho Ukraine mua 18 hệ thống HIMARS nhưng đến nay số vũ khí này vẫn chưa được bàn giao.
Sắp tới, các quan chức Ukraine sẽ tiến hành cuộc họp với các nước Liên minh châu Âu (EU) và những đối tác khác để thảo luận về chương trình hợp tác sản xuất vũ khí. Chương trình này bao gồm các kế hoạch tạo ra một khuôn khổ pháp lý và thuế đặc biệt để hỗ trợ các nhà sản xuất quốc phòng Ukraine mở rộng quy mô và hiện đại hóa sản xuất, trong đó có việc xây dựng các cơ sở mới trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Ðan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết quyết định đình chỉ viện trợ của Mỹ sẽ thúc đẩy các thành viên EU chi nhiều hơn cho việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine. Ðan Mạch đã đầu tư trực tiếp vào ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, nơi có thể chế tạo vũ khí, đạn dược nhanh và rẻ hơn so với những quốc gia khác ở châu Âu.
|
HẠNH NGUYÊN (Theo Politico, AP)