04/07/2025 - 18:06

Ông Trump mở rộng quyền lực sau chiến thắng trước Quốc hội 

Với chiến thắng lập pháp lớn nhất cho đến nay, giới phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump lần nữa mở rộng ranh giới về thẩm quyền tổng thống chỉ hơn 5 tháng tại nhiệm.

Tổng thống Trump tổ chức sự kiện “One Big Beautiful” tại Nhà Trắng. Ảnh: White House

Ngày 3-7, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện với tỷ lệ phiếu ủng hộ 218-214. Gói chính sách mang tính biểu tượng được Tổng thống Trump ký ban hành thành luật ngày 4-7, đúng vào thời điểm Nhà Trắng tổ chức một buổi dã ngoại để kỷ niệm ngày Quốc khánh Mỹ. Trước đó, Thượng viện ngày 1-7 đã thông qua dự luật này với tỷ lệ bỏ phiếu sít sao 51-50, trong đó lá phiếu của Phó Tổng thống JD Vance nắm vai trò quyết định.

Tác động với người Mỹ thu nhập thấp

Do các đồng minh đảng Cộng hòa tại Quốc hội soạn thảo và bị phe Dân chủ bác bỏ, siêu dự luật “One Big Beautiful Bill - Lớn và Đẹp” theo cách gọi của Tổng thống Trump đã vượt qua rào cản từ văn phòng ngân sách phi đảng phái, lo lắng của thị trường về nợ công, phản đối từ nhà tài trợ lớn Elon Musk và những nghi ngờ về tác động đối với đời sống cử tri cùng tương lai chính trị của giới lập pháp.

Theo thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew, 49% người Mỹ phản đối luật này và chỉ 29% ủng hộ. Phần lớn lo ngại dự luật gây tổn hại cho người thu nhập thấp và tăng thâm hụt ngân sách khi các dự báo ước tính luật này cho đến năm 2034 sẽ cộng thêm 3.400 tỉ USD vào tổng nợ quốc gia hiện ở mức 36.200 tỉ USD.

Phản bác dữ liệu thăm dò ý kiến, Nhà Trắng khẳng định sự ủng hộ lớn trên cả nước cho nhiều điều khoản cụ thể. Đây cũng là một phần của nỗ lực nhằm thực hiện danh sách dài những cam kết của Tổng thống Trump trong chiến dịch tranh cử.

Trọng tâm của nó là gia hạn vĩnh viễn các khoản cắt giảm thuế thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump năm 2017 cho cá nhân và doanh nghiệp với tổng trị giá 4.500 tỉ USD trong 10 năm. Dự luật cũng tạm thời miễn trừ thuế đối với tiền boa, công làm thêm giờ và lãi suất vay mua ô tô.

Để bù đắp các chi phí, đảng Cộng hòa chủ trương cắt giảm chương trình bảo hiểm y tế cho người thu nhập thấp Medicaid và chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (Snap). Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính, khoảng 11,8 triệu người mất quyền chăm sóc sức khỏe trong khi 8 triệu người có thể mất quyền lợi Snap.

Ngoài ra, dự luật dự kiến ​đẩy nhanh và mở rộng hoạt động trục xuất của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan với quyết định phân bổ 178 tỉ USD cho các chương trình hạn chế nhập cư, bao gồm việc tiếp tục xây dựng bức tường biên giới với Mexico cũng như cung cấp nhân sự và nguồn lực cho cảnh sát biên giới, truy tố nhập cư, giam giữ và điều tra tội phạm.

Trong lĩnh vực quốc phòng, khoảng 153 tỉ USD sẽ được chi cho các dự án đóng tàu, phòng thủ tên lửa, vũ khí hạt nhân và hỗ trợ quân sự ở biên giới. Dự luật còn giáng đòn mạnh vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu khi loại bỏ dần các ưu đãi thuế dưới thời Tổng thống Joe Biden nhằm thúc đẩy đầu tư vào ô tô điện, năng lượng gió, mặt trời và các công nghệ năng lượng xanh khác.

Chiến thắng tức thời, thách thức lâu dài

Trong khi phần lớn nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump cho đến nay được đánh dấu bằng các sắc lệnh hành pháp, “siêu dự luật” vừa được thông qua đại diện cho cột mốc lập pháp quan trọng. Nó không chỉ mang lại chiến thắng chính trị ý nghĩa đối với thành công trong nhiệm kỳ hai, mà còn trao quyền cho Tổng thống Trump triển khai các chính sách vốn là nền tảng cho khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” một cách tự do hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, một số ý kiến đã cảnh báo “cạm bẫy chính trị” đối với đảng Cộng hòa khi xét tới thái độ trước đây của công chúng sau khi các dự luật được thông qua. Đơn cử như năm 1982, Tổng thống lúc bấy giờ Ronald Reagan đã mất thế đa số tại Hạ viện sau khi sử dụng biện pháp hòa giải để thông qua khoản cắt giảm chi tiêu lớn như một phần trong tầm nhìn kinh tế “Reaganomics”. Mô hình này cũng lặp lại với người kế nhiệm George H.W. Bush khi dự luật hòa giải của ông mâu thuẫn cam kết không tăng thuế trong chiến dịch tranh cử; và tương tự với cựu Tổng thống Bill Clinton năm 1994 (luật giảm thâm hụt và cải cách thuế), Barack Obama năm 2010 (Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng), Donald Trump năm 2018 (cắt giảm thuế) và Tổng thống Biden năm 2022 (Kế hoạch Cứu trợ của Mỹ và Đạo luật Giảm lạm phát).

Trước mắt, việc cắt giảm sâu chương trình Medicaid và hỗ trợ thực phẩm cùng với tăng nợ chính phủ chắc chắn ảnh hưởng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026. Trong đó, việc một số nhà lập pháp Cộng hòa tuyên bố nghỉ hưu sau khi sau khi bất đồng quan điểm với Tổng thống Trump có thể giúp đảng Dân chủ dễ dành giành những ghế này ở Quốc hội.

Về dài hạn, chiến lược gia Hyma Moore của đảng Dân chủ cho biết Tổng thống Trump có thể không phải “trả giá chính trị” bởi nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào năm 2028. Ngược lại, hậu quả với đảng Cộng hòa được dự đoán phức tạp hơn, đặc biệt với những ứng viên tổng thống trong tương lai.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, DW)

Chia sẻ bài viết