04/07/2025 - 08:39

Fiji phản đối hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương 

Trong đòn giáng mạnh vào tham vọng an ninh của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương, Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka tuyên bố Suva “không chào đón” bất kỳ căn cứ quân sự Trung Quốc nào ở khu vực.

Thủ tướng Rabuka tuyên bố chừng nào ông còn nắm quyền, Fiji sẽ không để Trung Quốc đặt căn cứ quân sự. Ảnh: ABC News

Nằm ở vị trí chiến lược giữa Mỹ và châu Á, Quần đảo Thái Bình Dương là tâm điểm cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh về quan hệ an ninh.

Năm ngoái, Trung Quốc đăng ký 26 tàu hải cảnh với Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC) để thực hiện công tác tuần tra ở Nam Thái Bình Dương. Đến tháng 5-2025, Bắc Kinh tiếp tục giới thiệu Lực lượng Bảo vệ Bờ biển tới 10 nhà lãnh đạo các đảo Thái Bình Dương. Những năm trước đó, Trung Quốc chi hàng trăm triệu USD xây dựng sân vận động thể thao, văn phòng chính phủ, bệnh viện và đường sá ở các quốc gia như Quần đảo Solomon và Vanuatu.

“Chiến dịch quyến rũ” đã mang lại kết quả khả thi với việc Quần đảo Solomon, Kiribati cùng Nauru cắt mối ngoại giao lâu đời với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Trong đó, Quần đảo Solomon được coi là đồng minh đặc biệt thân cận của Bắc Kinh sau khi hai bên ký hiệp ước an ninh năm 2022, làm dấy lên lo ngại một ngày nào đó Trung Quốc có thể tìm cách sử dụng quần đảo này làm căn cứ quân sự.

Đây cũng là câu hỏi được nhiều phóng viên đề cập với Thủ tướng Rabuka của Fiji khi ông có mặt tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Úc ở thủ đô Canberra. Về khả năng Trung Quốc lập căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương, Thủ tướng Rabuka nói rằng nếu Bắc Kinh có tham vọng đó thì ai sẽ chào đón họ nhưng không phải Fiji. Thủ tướng Rabuka cũng cho biết sẽ vận động các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương khác phản đối một căn cứ như vậy.

Để quản lý sự cạnh tranh chiến lược trong khu vực, Thủ tướng Rabuka đang tìm kiếm sự ủng hộ cho hiệp ước Đại dương hòa bình tập trung vào hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế, từ chối sử dụng cưỡng ép như phương tiện để đạt được lợi thế về an ninh, kinh tế hoặc chính trị, qua đó đảm bảo những người bên ngoài tham gia và tôn trọng cách tiếp cận của khu vực. Các nhà lãnh đạo của 18 thành viên Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương sẽ xem xét hiệp ước này tại cuộc họp cấp cao ở Quần đảo Solomon vào tháng 9.

Theo Thủ tướng Rabuka, Trung Quốc đã xây dựng ảnh hưởng trên khắp Thái Bình Dương nhưng sự tham gia của Bắc Kinh không nên tác động đến cách khu vực tương tác với Úc, New Zealand và Mỹ. Trong tất cả cuộc thảo luận gần đây, Thủ tướng Rabuka cho biết các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương vẫn nỗ lực tìm biện pháp đối phó với một Trung Quốc thực sự lớn mạnh và có thể muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

“Nam Thái Bình Dương phải là một đại dương hòa bình mà không có sự can thiệp của những quốc gia khác. Chúng tôi không muốn sự cạnh tranh giữa các siêu cường hay các cường quốc lớn diễn ra ở khu vực” - ông Rabuka nhấn mạnh. Điều này đồng nghĩa khu vực sẽ đối mặt nhiều thử thách, nhưng ông Rabuka tin tưởng sẽ đạt kết quả khi các quốc gia Thái Bình Dương đưa ra chính sách thân thiện với tất cả các bên và không coi ai là kẻ thù.

Thừa nhận ý định gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, Thủ tướng Rabuka mặt khác không tin Bắc Kinh tìm kiếm quyền tiếp cận quân sự lớn hơn để thể hiện sức mạnh ở khu vực. Quan điểm này trái ngược với đánh giá của Chính phủ Úc, trong đó cảnh báo Trung Quốc có thể thông qua các dự án cơ sở hạ tầng chức năng kép để sử dụng cho mục đích quân sự, từ đó xây dựng chỗ đứng về an ninh ở Thái Bình Dương. Theo chuyên gia Mihai Sora từ Viện Lowy, khác biệt này cho thấy Úc vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để đạt được sự thống nhất về quan điểm chiến lược, ngay cả với những đối tác an ninh Thái Bình Dương thân cận nhất.

MAI QUYÊN (Theo ACB News, Reuters)

 

Chia sẻ bài viết