28/04/2024 - 18:14

Thế giới chạy đua đầu tư vào công nghệ AI 

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở nên quan trọng trong các lĩnh vực như y tế, tài chính, giáo dục, quản lý thảm họa; cung cấp giải pháp cho các vấn đề phức tạp mà con người phải đối mặt. Chính những lợi ích AI mang lại mà nhiều nước mạnh tay đầu tư với mong muốn trở thành trung tâm kiểm soát công nghệ này.

Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng AI cũng tồn tại nhiều vấn đề. Ảnh: Getty Images

Đẩy mạnh đầu tư

Mới đây, Nội các Ấn Ðộ phê duyệt dự án Sứ mệnh AI với kinh phí hơn 1,25 tỉ USD trong 5 năm. Sứ mệnh AI của Ấn Ðộ sẽ cung cấp tài chính cho các công ty khởi nghiệp AI cũng như tìm cách phát triển cơ sở dữ liệu nguồn mở có thể được sử dụng để đào tạo các mô hình AI và các ứng dụng khác. Bên cạnh đó, Sứ mệnh AI cũng sẽ cung cấp một khuôn khổ để phát triển các đơn vị xử lý đồ họa theo quan hệ đối tác công - tư cũng như các mô hình ngôn ngữ miền chuyên biệt lớn, đa dạng, hỗ trợ các nền tảng AI tổng hợp.

Trong khi đó, Hàn Quốc dự kiến sẽ đầu tư số tiền tương đương 6,94 tỉ USD vào AI đến năm 2027 như một phần trong nỗ lực duy trì vị trí hàng đầu toàn cầu về chip bán dẫn tiên tiến.

Về phần mình, Nhật Bản tuyên bố tài trợ 470 triệu USD cho 5 công ty trong nước để phát triển siêu máy tính ứng dụng AI nhằm giảm phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Với các khoản trợ cấp mới, Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ giúp các công ty nước này bắt kịp các đối thủ Mỹ.

Thái Lan cũng vừa công bố chiến lược AI quốc gia với ngân sách 1,5 tỉ baht (tương đương 42 triệu USD) nhằm thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào AI nước ngoài. Với chiến lược này, Thái Lan đặt mục tiêu nâng cao vị thế của Bangkok về chỉ số sẵn sàng AI từ vị trí thứ 59 năm 2021 lên tốp 50 vào năm 2025.

Trung Quốc tuyên bố đầu tư 70 tỉ USD nhằm dẫn đầu công nghệ này vào năm 2030. Trong Kế hoạch quốc gia 5 năm lần thứ 13 vào năm 2016, Trung Quốc đưa ra “Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới” với mục tiêu đạt “trình độ dẫn đầu thế giới” vào năm 2025 và trở thành “trung tâm đổi mới AI lớn của thế giới” vào năm 2030.

Mỹ hồi năm 2019 cũng quyết định chi 52 tỉ USD trong vòng 5 năm để hỗ trợ phát triển AI. Mặc dù bất đồng trong nhiều vấn đề, nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai quốc gia có sự hợp tác hàng đầu về AI. Trong giai đoạn 2010-2021, hai bên có hơn 9.600 nghiên cứu chung về AI.

Ðáng chú ý hơn hết là Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), khi cả hai đều muốn trở thành “siêu cường AI” tại khu vực Trung Ðông. Sự cạnh tranh quyết liệt của họ tạo nên cuộc đua xây dựng các trung tâm dữ liệu tốn kém trên sa mạc để hỗ trợ công nghệ.

Saudi Arabia đã thành lập các trung tâm nghiên cứu lớn và các bộ chuyên trách về AI, đồng thời phát triển những mô hình tương tự ChatGPT của hãng OpenAI. UAE cũng đang làm điều đó. Ðầu tháng 3 vừa qua, Abu Dhabi công bố quỹ đầu tư AI có thể tăng lên 100 tỉ USD trong vài năm tới, trong khi quỹ đầu tư quốc gia của Riyadh đang đàm phán với hãng đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz về việc dành 40 tỉ USD đầu tư vào AI.

Tiềm năng to lớn

Dựa trên xếp hạng từ “Chỉ số AI toàn cầu”, Mỹ là quốc gia đứng đầu về nghiên cứu và phát triển AI. Tiếp theo trong tốp 10 quốc gia hàng đầu về nghiên cứu và phát triển AI là Trung Quốc, Anh, Israel, Canada, Pháp, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Ðức và Singapore.

Sự phát triển mạnh mẽ của AI mang đến nhiều tiềm năng to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật của các quốc gia. Theo trang tin Tài chính Finbold, giá trị ước tính của thị trường AI năm 2023 là hơn 207 tỉ USD và được dự đoán sẽ tăng gần 789% để đạt con số 1.870 tỉ USD vào năm 2030 sau khi vượt ngưỡng 1.000 tỉ USD lần đầu vào năm 2028.

Một báo cáo gần đây của hãng nghiên cứu PwC ước tính, đến năm 2030, AI sẽ đóng góp 96 tỉ USD cho nền kinh tế của UAE và 135 tỉ USD cho nền kinh tế của Saudi Arabia.

Chính phủ Nga cho biết việc triển khai công nghệ AI cho đến năm 2030 sẽ tăng quy mô nền kinh tế nước này thêm 6%, tương đương gần 110 tỉ USD và Nga sẽ nằm trong số 5 nước dẫn đầu thế giới về phát triển AI. Vì thế, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành chỉ thị hỗ trợ tài chính cho các trung tâm nghiên cứu tiến hành hoạt động trong lĩnh vực AI đến năm 2030.

Nỗ lực kiểm soát, khắc chế nguy cơ

Sự phát triển vượt bậc của AI cũng khiến nhiều người lo sợ về những hệ lụy tiềm ẩn mà nó mang lại. Các cơ quan quản lý thì quan ngại những mối nguy mới về đạo đức và xã hội do các hệ thống AI gây ra, có thể biến đổi cuộc sống hàng ngày, từ công việc, giáo dục đến vấn đề bản quyền và quyền riêng tư.

Ðáng lo ngại, AI có thể trở thành mối nguy đối với an ninh quốc gia. Tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk từng cảnh báo AI có thể trở thành công cụ đáng sợ trong chiến tranh, bởi nếu quốc gia nào đó phát triển được một hệ thống AI vượt trội, họ có thể sử dụng nó để tấn công nước khác. Ông Musk tin rằng nếu để AI phát triển một cách không kiểm soát, đến mức nó có thể tự động hóa các quyết định mà không cần sự can thiệp của con người thì đây là nguy cơ đối với sự tồn vong của nhân loại.

Giữa năm 2023, Giám đốc điều hành (CEO) của các công ty AI hàng đầu thế giới cùng hàng trăm nhà nghiên cứu và chuyên gia đã cùng ký vào tuyên bố, nhấn mạnh rằng việc giảm thiểu nguy cơ từ AI phải là ưu tiên toàn cầu, đồng thời ví hành động này có tính cấp bách như việc ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân.

Hàn Quốc sẽ cùng Anh tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về AI vào ngày 21-22/5 tới. Đây là sự kiện tiếp nối hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI diễn ra tại Anh hồi tháng 11 năm ngoái.  Nhân sự kiện này, Hàn Quốc sẽ chủ trì Diễn đàn AI toàn cầu với sự tham dự của các quan chức cấp cao đến từ nhiều nước trên thế giới, lãnh đạo chủ chốt trong các ngành kinh tế và các thành viên trong giới nghiên cứu. 

Hàn Quốc bày tỏ hy vọng hội nghị và diễn đàn sẽ là nền tảng đưa ra những hướng đi cụ thể cho việc hình thành một cấu trúc quản trị toàn cầu về AI trong tương lai.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra các nguyên tắc đạo đức và hướng dẫn cho việc sử dụng công bằng và có trách nhiệm của AI. Các biện pháp này được triển khai nhằm đảm bảo rằng AI phát triển một cách an toàn và bền vững, giảm thiểu rủi ro và tăng cường sự tin tưởng của công chúng vào công nghệ này.

Tổng thống Joe Biden cuối năm 2023 đã ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm đưa Washington dẫn đầu thế giới trong nỗ lực quản lý những rủi ro từ AI. Sắc lệnh yêu cầu các nhà phát triển hệ thống AI phải công bố kết quả kiểm tra độ an toàn các chương trình AI với chính phủ liên bang trước khi phát hành rộng rãi đến người dùng, đồng thời buộc họ phải thông báo cho Chính phủ Mỹ nếu chương trình AI đang phát triển gây ra các rủi ro về an ninh quốc gia, nền kinh tế địa phương hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Trung Quốc cũng ban hành các quy định để quản lý ngành công nghiệp AI. Theo đó, các cơ quan quản lý có trách nhiệm thực hiện phân loại và giám sát phân loại các dịch vụ AI; yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện nghĩa vụ bảo mật thông tin trực tuyến, gồm bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng và thực hiện các biện pháp chặn người dùng chưa đủ tuổi tiếp cận những dịch vụ như vậy.

Liên minh châu Âu (EU) tiên phong với các cuộc thảo luận nhằm xây dựng quy định pháp lý toàn diện đầu tiên trên thế giới về sử dụng AI một cách an toàn, công bằng, bảo đảm các quyền cơ bản của con người, cũng như tạo cơ sở để các doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển dựa trên công nghệ này. Hiện Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu (EC) đã đạt được thỏa thuận chính trị về các điều khoản trong dự thảo Ðạo luật AI.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã công bố bộ quy tắc quốc tế toàn diện đầu tiên về hệ thống AI tiên tiến, trong đó đưa ra nhiều khuyến nghị để không chỉ các nhà phát triển mà cả người dùng bình dân cũng có thể giảm thiểu rủi ro do công nghệ này mang lại.

Liên Hiệp Quốc cũng công bố thành lập Ban cố vấn AI, với 39 thành viên là các giám đốc công ty, quan chức chính phủ và các học giả, có nhiệm vụ đưa ra hướng quản lý AI ở tầm quốc tế.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết