02/07/2025 - 09:05

Trung Quốc tìm cách thắt chặt quan hệ với châu Âu 

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến công du kéo dài 7 ngày ở châu Âu nhằm mục đích tăng cường hơn nữa giao tiếp chiến lược, thúc đẩy lòng tin chính trị và mở rộng hợp tác thực tế giữa Trung Quốc và châu Âu trong bối cảnh cả hai đều căng thẳng thương mại với Mỹ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp hồi tháng 1 tại Điện Elysee. Ảnh: Xinhua

Giới phân tích cho rằng chuyến thăm là bằng chứng cho thấy cả Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc muốn duy trì đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng bất chấp việc 2 bên tồn tại quá nhiều khác biệt, qua đó có thể cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu như phục hồi kinh tế, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Theo lịch trình, ông Vương sẽ có cuộc “đối thoại chiến lược cấp cao” với Kaja Kallas, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh tại trụ sở của EU ở thủ đô Brussels (Bỉ); có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul về ngoại giao và an ninh ở thủ đô Berlin; và sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot, người vừa đến thăm Trung Quốc hồi tháng 3, ở thủ đô Paris.

Theo Đài DW (Đức), cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ là vấn đề trọng tâm trong các cuộc thảo luận giữa ông Vương và giới lãnh đạo châu Âu. Lâu nay, Trung Quốc tự coi nước này là một bên trung lập trong cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm giữa Nga và Ukraine. Song, giới chức châu Âu cho rằng chính nhờ mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh mà Mát-xcơ-va nhận được nhiều hỗ trợ về kinh tế và ngoại giao quan trọng, qua đó giục Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để gây sức ép, buộc Nga chấm dứt chiến tranh.

Chuyến thăm châu Âu của ông Vương diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và EU kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao và khi 2 bên chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU tại thủ đô Bắc Kinh vào cuối tháng 7. “Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc đến Brussels có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới, bởi chúng ta cần một cuộc đối thoại thẳng thắn giữa Trung Quốc và EU. Nếu cả 2 bên có thể đồng ý hợp tác, họ sẽ có thể đối phó với nhiều thách thức toàn cầu, từ đó thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều” - Maria Joao Rodrigues, Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Tiến bộ châu Âu, nhận định.

Chuyến thăm cũng được diễn ra giữa lúc quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc trở nên căng thẳng trong những năm gần đây trong bối cảnh EU tìm cách cứng rắn hơn đối với các hoạt động kinh tế “không cân bằng” của Bắc Kinh. Sau khi EU áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách mạnh tay áp thuế lên nhiều mặt hàng xuất khẩu của châu Âu, gồm cả rượu cognac của Pháp. Mới đây, AFP dẫn một nguồn tin cho biết Paris và Bắc Kinh đã đạt được một thỏa thuận về rượu cognac nhưng chưa được Bộ Thương mại Trung Quốc chính thức chấp thuận.

Căng thẳng giữa 2 bên lại bùng phát trong tháng 6 sau khi EU cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu các hợp đồng mua sắm thiết bị y tế từ 5 triệu euro trở lên của khối này. Đây là động thái mới nhất của EU nhằm đáp trả việc Trung Quốc hạn chế khối 27 nước thành viên tiếp cận thị trường tỉ dân.

Biện pháp hạn chế nói trên của EU liên quan đến nhiều loại vật tư y tế, từ khẩu trang y tế đến máy chụp X-quang. Ngoài ra, EU cũng giới hạn tỷ lệ tham gia của các thiết bị Trung Quốc trong các hợp đồng đấu thầu không được vượt quá 50%. EU cho rằng biện pháp này sẽ buộc Trung Quốc phải chấm dứt phân biệt đối xử với các công ty châu Âu cũng như các thiết bị y tế do châu Âu sản xuất. Chưa kể, EC hồi tháng 4 còn mở cuộc điều tra đối với các hợp đồng mua sắm thiết bị y tế công của Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc tố EU áp dụng “tiêu chuẩn kép” về thương mại. 

Quan hệ giữa EU và Trung Quốc cũng căng thẳng xung quanh vấn đề đất hiếm. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Bắc Kinh hồi cuối tháng 4 đã thông báo về việc kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại đất hiếm được dùng để chế tạo động cơ phản lực, máy bay không người lái, robot, tên lửa và các thiết bị không gian. Được biết, Trung Quốc chiếm gần 2/3 sản lượng khai thác đất hiếm và 92% sản lượng tinh chế đất hiếm toàn cầu. Gần đây, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã đề xuất thành lập một “kênh xanh” để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu đất hiếm sang EU.

Trước chuyến đi của Ngoại trưởng Vương Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn nói rõ rằng thế giới đang đối mặt với chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ và hành vi bắt nạt lan tràn do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra, vì vậy Trung Quốc và EU cần phải “duy trì thế giới hòa bình và ổn định, bảo vệ chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do, các quy tắc quốc tế, sự công bằng và chính nghĩa, đồng thời cùng hành động kiên quyết như là những trụ cột của sự ổn định và sức mạnh xây dựng trong một thế giới đầy biến động”.

 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết