04/07/2025 - 08:39

Các giấy tờ chứng minh thuộc diện trợ giúp pháp lý 

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL trong vụ việc TGPL theo quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong việc tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Bên cạnh quyền được TGPL miễn phí, người thuộc diện TGPL cần có những giấy tờ liên quan để chứng minh mình thuộc đối tượng được TGPL.

Truyền thông TGPL cho học sinh Trường THCS Tân Thới, xã Phong Ðiền, TP Cần Thơ.

Theo quy định Luật TGPL năm 2017, người được TGPL bao gồm: người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Những đối tượng được TGPL miễn phí phải có các giấy tờ chính minh mình thuộc diện được trợ giúp. Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15-11-2017 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL quy định người yêu cầu TGPL phải cung cấp giấy tờ để chứng minh.

Đối với người có công với cách mạng:

+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 (1 trong các giấy tờ): quyết định công nhận người hoạt động cách mạng trước 1-1-1945 của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; của ban đảng; của ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; của Tổng cục Chính trị; của Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945...

+ Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng: quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”; quyết định phụ cấp hằng tháng của giám đốc sở lao động - thương binh và xã hội; Bằng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến (1 trong các giấy tờ): quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Bằng Anh hùng…

+ Đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: cần có quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương tật hằng tháng đối với những trường hợp người bị thương là quân nhân, công nhân viên quốc phòng, công an nhân dân, công nhân viên công an nhân dân của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Quyết định cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật hằng tháng đối với trường hợp khác của giám đốc sở lao động - thương binh và xã hội; giấy chứng nhận thương binh, thẻ thương binh.

+ Đối với bệnh binh: quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp bệnh tật; giấy chứng nhận bệnh binh, thẻ bệnh binh.

Người thuộc hộ nghèo: giấy chứng nhận hộ nghèo do UBND  cấp xã cấp.

Giấy tờ chứng minh là trẻ em: giấy khai sinh, căn cước công dân, hộ chiếu; văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng (quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi bổ sung quyết định khởi tố vụ án; kết luận điều tra, bản cáo trạng; quyết định đưa vụ án ra xét xử, các quyết định hoặc bản án của tòa án; văn bản của cơ quan có thẩm quyền về áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt vi phạm hành chính xác định người có yêu cầu là trẻ em). Ví dụ: quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng…

Giấy tờ chứng minh là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: căn cước công dân, các giấy tờ hợp pháp khác mà dựa vào đó có thể xác định được dân tộc, nơi cư trú của người được TGPL…

Giấy tờ chứng minh là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi bổ sung quyết định khởi tố vụ án; kết luận điều tra, bản cáo trạng; quyết định đưa vụ án ra xét xử, các quyết định hoặc bản án của tòa án…).

Bên cạnh đó, các đối tượng cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính; người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính; người cao tuổi có khó khăn về tài chính; người khuyết tật có khó khăn tài chính; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính; người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính cũng cần những giấy tờ liên quan theo quy định.

Ngoài các giấy tờ nêu trên, Thông tư cũng quy định các loại giấy tờ hợp pháp khác do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định được người thuộc diện TGPL theo quy định của pháp luật TGPL cũng được coi là một trong những loại giấy tờ chứng minh thuộc diện TGPL. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL thực hiện quyền yêu cầu TGPL, Thông tư số 08/2017/TT-BTP bổ sung quy định trong trường hợp những người thuộc diện được TGPL bị thất lạc các loại giấy tờ đã được cấp thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đã cấp các loại giấy tờ đó.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Chia sẻ bài viết