01/07/2025 - 10:01

Năng lực làm giàu uranium của Iran hậu xung đột 

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Iran có thể tái khởi động hoạt động làm giàu uranium “chỉ trong vài tháng”, trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Mỹ đã khiến chương trình hạt nhân nước này bị chậm lại nhiều thập niên.

Giám đốc IAEA Grossi (trái) và hình ảnh cơ sở Fordow hậu xung đột Israel - Iran. Ảnh: Times of India

Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS News ngày 29-6, Giám đốc IAEA Rafael Grossi nói các cuộc không kích của Mỹ vào Iran vừa qua rõ ràng đã gây thiệt hại nặng nề, nhưng không phải là thiệt hại hoàn toàn. “Iran vẫn còn các năng lực như công nghiệp và công nghệ để tái khởi động chương trình hạt nhân. Họ có thể đưa vào vận hành dàn máy ly tâm và sản xuất uranium được làm giàu chỉ trong vài tháng, thậm chí nhanh hơn”, lãnh đạo IAEA phát biểu. Các thanh sát viên IAEA hiện ở Iran nhưng chưa được phép tiếp cận những cơ sở hạt nhân để đánh giá trực tiếp.

Bình luận của ông Grossi phù hợp với đánh giá sơ bộ gần đây của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) thuộc Lầu Năm Góc. DIA nhận thấy chiến dịch oanh tạc của Mỹ đã không phá hủy các thành phần cốt lõi của chương trình hạt nhân Iran và nhiều khả năng chỉ trì hoãn chương trình này vài tháng.

Hồi đầu tháng 6, Israel đã tiến hành cuộc tấn công chưa từng có nhằm ngăn chặn Iran phát triển bom hạt nhân mặc dù Tehran khẳng định chương trình của họ là vì mục đích hòa bình. Sau đó, Mỹ thực hiện cuộc không kích vào 3 địa điểm hạt nhân then chốt của Iran trước khi Tổng thống Trump công bố lệnh ngừng bắn. Nhà lãnh đạo Mỹ nhiều lần tuyên bố đã xóa sổ “hoàn toàn” chương trình hạt nhân của Tehran.

Trả lời phỏng vấn CBS News ngày 29-6, Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Amir-Saeid Iravani nhấn mạnh làm giàu uranium là quyền không thể tước bỏ của mỗi quốc gia, khẳng định Tehran sẽ không từ bỏ hoạt động này.

Trước đó, Đại sứ Iravani cho biết Iran có thể chuyển kho uranium được làm giàu của nước này sang một quốc gia khác trong trường hợp đạt được một thỏa thuận với Mỹ về chương trình hạt nhân. Theo ông, việc chuyển uranium làm giàu ở mức 20% và 60% sẽ không phải là lằn ranh đỏ đối với Tehran và số vật liệu này cũng có thể ở lại Iran dưới sự giám sát của IAEA.

Hôm 29-6, ông Trump tiếp tục bác bỏ báo cáo nói Iran đã di chuyển 400kg uranium được làm giàu ở mức 60% trước khi Mỹ trút 14 “siêu bom” xuống các mục tiêu ở Iran. Có 12 quả trong số này nhằm vào nhà máy làm giàu uranium Fordow, nơi được ví như “trung tâm chương trình làm giàu uranium” của Iran, trong khi 2 quả còn lại dội xuống công trình ngầm thuộc cơ sở hạt nhân Natanz. Tuy vậy, ông Trump thừa nhận rằng Iran có thể sở hữu thêm một cơ sở hạt nhân bí mật chứa uranium được làm giàu. 

Cùng ngày, báo Washington Post đưa tin Mỹ đã thu thập được các tin nhắn bị chặn của các quan chức cấp cao Iran, trong đó nhận xét cuộc tấn công của Washington không có sức hủy diệt như họ dự đoán.

Trong bối cảnh trên, Iran đã có động thái thoát khỏi sự giám sát quốc tế đối với chương trình hạt nhân khi Quốc hội nước này thông qua dự luật ngừng hợp tác với IAEA. Tehran cũng cấm giám đốc IAEA đến các cơ sở hạt nhân và gỡ bỏ những camera giám sát tại đây. Ông Grossi cho biết Iran vẫn là bên tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), ngụ ý rằng nước này phải hợp tác với IAEA.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tuyên bố Tehran cũng có thể xem xét lại tư cách thành viên của mình trong NPT, thỏa thuận cấm các bên ký kết phát triển vũ khí hạt nhân. Truyền thông Mỹ nhận định việc rút khỏi NPT sẽ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị và mở đường cho Iran (nếu nước này muốn) lao vào phát triển bom mà không có sự giám sát của quốc tế. Giới chức Mỹ không thể chứng minh liệu một kho uranium lớn được làm giàu ở mức 60% của Iran đã bị loại bỏ hay chưa.

Các nhà phân tích cho rằng Tehran sẽ không mất nhiều thời gian để tiến tới vũ khí hóa từ độ tinh khiết này. “Dàn 174 máy ly tâm IR-6 có thể sản xuất một quả bom có ​​lượng uranium làm giàu tới 90% từ vật liệu làm giàu ở mức 60% trong vòng 10-20 ngày. Iran không cần tái thiết các cơ sở làm giàu ở quy mô trước đây để sở hữu bom”, James Acton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Guardian)

Chia sẻ bài viết