Việc hợp nhất 3 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng là cơ hội để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp. Với quy mô diện tích và dân số lớn hơn nhiều so với hiện tại, các cấp chính quyền TP Cần Thơ xác định tái cấu trúc bộ máy, đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) để chuyên nghiệp hóa nền hành chính nhà nước, xây dựng chính quyền kiến tạo, vì nhân dân phục vụ.
Thúc đẩy CĐS
Ông Nguyễn Văn Chung, hộ kinh doanh dịch vụ nhà trọ ở phường Tân An, TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi vừa thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) đăng ký thường trú qua Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia thành công và được hẹn trả kết quả tại nhà qua bưu điện, sau 7 ngày làm việc. Hơn 1 năm qua, tôi hầu như đăng ký lưu trú, tạm trú qua DVC trực tuyến và nay càng phấn khởi khi biết từ ngày 1-7-2025, mọi TTHC trực tuyến đều thực hiện tại một địa chỉ là Cổng DVC quốc gia”. Theo ông Chung, việc hợp nhất 3 tỉnh, thành và các xã, phường, dẫn đến quy mô dân số tăng, khoảng cách giữa các địa phương xa hơn, nhưng công nghệ thông tin ngày càng phát triển, trình độ của người dân ngày càng nâng cao nên dễ dàng tiếp cận và thực hiện các dịch vụ trực tuyến.

Người dân được hướng dẫn đăng ký thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ.
Từ ngày 1-7-2025, Cổng DVC cấp tỉnh đóng giao diện, Cổng DVC quốc gia trở thành điểm “một cửa số” tập trung, duy nhất phục vụ người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, thành phố kịp thời cập nhật danh mục và chuyển đổi TTHC từ cấp huyện về cấp xã, cấp tỉnh; cập nhật thông tin dịch vụ công tích hợp theo danh mục cơ quan mới và khai báo, kiểm thử dịch vụ công trên Cổng DVC quốc gia. Theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2025, phấn đấu 100% TTHC được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh. Do đó, thành phố tiếp tục rà soát, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố và đáp ứng yêu cầu số hóa, thực hiện TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính và mô hình tổ chức chính quyền 2 cấp; tích hợp, cung cấp 100% DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Thủy ở xã Thạnh Hòa, TP Cần Thơ, cho biết: “Từ khi có ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh, hầu như tôi sử dụng giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe… rất tiện ích. Trong một số giao dịch bất động sản, tôi làm giấy chứng nhận độc thân nhanh chóng, hiệu quả, không phải đến trực tiếp trụ sở UBND xã”. Theo bà Thủy, sau khi các xã, phường hợp nhất và bỏ cấp huyện, ngành chức năng cần đầu tư, hoàn hiện hạ tầng viễn thông để phần mềm thân thiện hơn với người dùng. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người dân biết và sử dụng DVC trực tuyến rộng rãi hơn. Việc CĐS trong giải quyết TTHC giúp giảm thời gian, chi phí, tăng tính minh bạch trong quá trình tương tác với cơ quan nhà nước, đồng thời hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy chính quyền.
Sau hợp nhất, TP Cần Thơ tập trung rà soát, đánh giá hiện trạng của các hệ thống điều hành thông minh (IOC) để hoàn thiện một hệ thống thống nhất cho Trung tâm Giám sát điều hành thông minh TP Cần Thơ. Tiếp tục duy trì hoạt động của 3 Trung tâm dữ liệu của 3 tỉnh, thành trong giai đoạn đầu sau khi hợp nhất nhằm tránh gián đoạn hệ thống. Sau đó, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ thuê đơn vị tư vấn rà soát chi tiết hiện trạng để lên phương án tối ưu nhất. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng sẽ được tích hợp, đảm bảo yêu cầu quản lý, điều hành, trích xuất để phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Tái cấu trúc bộ máy
Tinh gọn bộ máy sau hợp nhất là yêu cầu cấp thiết, không chỉ để tiết kiệm ngân sách, mà phải đảm bảo phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các sở, ngành. Đây là vấn đề đặc biệt được lãnh đạo 3 tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Trong đó, tập trung sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của đơn vị khi hợp nhất, sáp nhập với các đơn vị tương ứng; phân công rõ người, rõ việc, mạnh dạn phân cấp, phân quyền, đảm bảo vừa hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa hoàn thành đúng tiến độ sắp xếp các đơn vị theo thời gian quy định.
Thực tế cho thấy, trước khi hợp nhất, cùng 1 đơn vị, 1 sở, nhưng ở 3 tỉnh, thành thì cơ cấu tổ chức bên trong có sự khác nhau. Đơn cử như các đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý dự án, trung tâm phát triển quỹ đất: trước khi hợp nhất, TP Cần Thơ (cũ) có 3 Ban Quản lý dự án, 1 Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc UBND thành phố, trong khi tỉnh Sóc Trăng (cũ) và tỉnh Hậu Giang (cũ) có 2 Ban Quản lý đầu tư xây dựng thuộc UBND tỉnh và 1 Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường (tỉnh Sóc Trăng). Vì vậy, TP Cần Thơ tổ chức lại từ 3 thành 2 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành đúng theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn có liên quan, bảo đảm phù hợp quy mô đô thị. Về các đơn vị sự nghiệp công lập, cũng giữ lại 28 ban quản lý dự án cấp huyện (của 3 tỉnh, thành Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng trước hợp nhất) để thành lập chi nhánh trực thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh để đảm bảo việc triển khai các dự án thông suốt, không gián đoạn.
Các trạm thuộc UBND cấp huyện (cũ) và các trạm, liên trạm thuộc Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cũng tiếp tục được tổ chức lại thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo khu vực liên xã, phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng địa bàn. Cơ cấu bên trong của các sở, ngành thành phố cũng được nghiên cứu, sắp xếp đồng bộ, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Có thể thấy, việc hợp nhất 3 địa phương không chỉ là phép cộng cơ học, mà là bước cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo tiền đề vững chắc để thành phố đột phá phát triển.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI