06/05/2024 - 23:31

Trung Quốc muốn lấy lại niềm tin từ châu Âu 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 5-5 đã đến Pháp, bắt đầu chuyến công du kéo dài 5 ngày tới 3 quốc gia châu Âu gồm Pháp, Serbia và Hungary. Giới quan sát cho rằng trong chuyến thăm châu Âu đầu tiên sau gần 5 năm, Chủ tịch Tập cố gắng cải thiện quan hệ với lục địa già trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và phu nhân Bành Lệ Viên tại Sân bay Paris-Orly (Pháp) hôm 5-5. Ảnh: Guardian

Tìm cách giảm căng thẳng thương mại

Tại Paris ngày 6-5, ông Tập có cuộc gặp 3 bên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ông Macron và bà von der Leyen nêu bật một số vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU), gồm lo ngại của EU về thâm hụt thương mại gần 300 tỉ euro cũng như về cáo buộc Bắc Kinh cung cấp hàng hóa lưỡng dụng cho Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine. Ðáng chú ý, cả 3 cũng luận bàn những căng thẳng thương mại gần đây giữa EU và Trung Quốc. Tổng thống Macron là một trong những người thúc đẩy EU điều tra nhằm vào xe điện Trung Quốc hồi tháng 9-2023 về nghi vấn Bắc Kinh trợ cấp để mang lại lợi thế cho các hãng xe nội địa. Ngoài xe điện, thiết bị y tế và tua bin gió của Trung Quốc cũng “vào tầm ngắm” điều tra của EU. Bắc Kinh khẳng định những cuộc điều tra thương mại của châu Âu mang động cơ chính trị và chịu thiệt duy nhất trong căng thẳng thuế quan chính là người tiêu dùng. Trung Quốc cũng đáp trả bằng cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh từ châu Âu, chủ yếu là từ Pháp.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với tờ La Tribune hôm 4-5, Tổng thống Macron cho rằng vai trò của Trung Quốc rất quan trọng trong các vấn đề quốc tế mà châu Âu cần sự tham gia của Bắc Kinh, gồm vấn đề biến đổi khí hậu hay các vấn đề an ninh liên quan tới Ukraine, Triều Tiên hay Iran. “Tôi không đề nghị chúng ta rời xa Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta phải bảo vệ tốt hơn an ninh quốc gia, chủ quyền, giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng và thực tế hơn trong việc bảo vệ lợi ích của chúng ta” - ông Macron nói.

Trong khi đó, trong một bài viết cho tờ Le Figaro, Chủ tịch Tập cho biết Trung Quốc muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế để tìm cách giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh “không phải là một bên cũng như không phải là nước tham gia” trong cuộc xung đột. “Chúng tôi hy vọng rằng hòa bình và sự ổn định sẽ nhanh chóng trở lại châu Âu. Chúng tôi cũng có ý định hợp tác với Pháp và toàn bộ cộng đồng quốc tế để tìm ra con đường tốt đẹp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng” - ông Tập viết.

Những năm gần đây, Trung Quốc và Pháp trên thực tế không ngừng mở rộng quan hệ thương mại, giao lưu văn hóa và nhân dân. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 78 tỉ USD. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Pháp ở châu Á, trong khi Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong EU.

Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi năm ngoái, ông Macron đã mang về nước nhiều thỏa thuận quan trọng về năng lượng hạt nhân, hàng không và nông nghiệp, dù không thành công trong việc thuyết phục ông Tập đứng về phía Paris trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ðến nay, Trung Quốc vẫn chưa lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine và bị phương Tây chỉ trích đứng về phía Mát-xcơ-va. Song, Bắc Kinh khẳng định có lập trường trung lập trong cuộc chiến và sử dụng phương pháp riêng để mang lại hòa bình cho Kiev.

Giới phân tích coi chuyến thăm châu Âu lần này của ông Tập là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm lấy lại niềm tin của châu Âu, đồng thời gây chia rẽ giữa Mỹ và đồng minh trong bối cảnh bắt đầu xuất hiện những rạn nứt trong cam kết an ninh của Washington đối với Kiev.

Sau Pháp, điểm dừng chân tiếp theo của ông Tập là Serbia và Hungary, những quốc gia thân thiện với Nga và có quan hệ căng thẳng với Mỹ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho đặt mục tiêu tăng cường quan hệ đối tác với cả 2 nước Trung Âu này theo sáng kiến “Vành đai, Con đường” - chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng bị phương Tây chỉ trích là dự án hàng đầu của Trung Quốc nhằm định hình lại trật tự toàn cầu.

Chuyến thăm Serbia của ông Tập trùng với dịp kỷ niệm 25 năm Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) dội nhầm 5 quả bom xuống Ðại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Belgrade, khiến 3 nhà báo Trung Quốc thiệt mạng và gây ra các cuộc biểu tình xung quanh Ðại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bắc Kinh. “Ðối với Chủ tịch Tập, việc đến Belgrade là một cách rất tiết kiệm để hỏi liệu Mỹ có thực sự nghiêm túc với luật pháp quốc tế hay không” - Janka Oertel, giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng Ðối ngoại châu Âu, nhận định.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết