18/05/2024 - 07:03

Chạy đua phát triển tàu sân bay UAV 

Trong bối cảnh chiến tranh hiện đại ngày càng phát triển, máy bay không người lái (UAV) nổi lên như một tài sản đáng gờm, mang lại tính linh hoạt và hiệu quả cao trên nhiều lĩnh vực quân sự khác nhau. Khi hải quân các nước trên thế giới tìm kiếm những năng lực tiên tiến và lợi thế chiến lược, việc tích hợp UAV vào các hoạt động hàng hải đang trở thành trọng tâm nổi bật.

Phương tiện có thể là tàu sân bay chuyên dụng cho UAV mà Trung Quốc đang chế tạo. Ảnh: Airbus

Các báo cáo gần đây cho thấy Trung Quốc đã bí mật chế tạo tàu sân bay dành riêng cho UAV đầu tiên trên thế giới. Theo trang Naval News, con tàu này, giống như một tàu sân bay cỡ nhỏ, được phát hiện qua hình ảnh vệ tinh ngày 6-5 và nó được giấu kín trong một xưởng đóng tàu trên sông Trường Giang.

Hình ảnh cho thấy con tàu có tháp chỉ huy nằm ở phía trước mạn phải, với phần boong lớn bằng phẳng bên cạnh, phù hợp với khái niệm thiết kế của tàu sân bay. Tuy nhiên, tàu này có chiều dài xấp xỉ 1/3 và chiều rộng bằng một nửa so với tàu sân bay thông thường của Mỹ hoặc Trung Quốc, nên chỉ phù hợp để vận hành UAV cánh bằng.

Sàn đáp của tàu đang chế tạo đủ rộng để vận hành UAV có sải cánh gần 20m, ví dụ mẫu CH-4 hoặc GJ-1 của Trung Quốc. Chuyên gia hải quân H. I. Sutton và chuyên gia Michael Dahm tại Viện Mitchell (Mỹ) gọi đây là tàu sân bay chuyên dụng cho UAV đầu tiên trên thế giới.

Video từ cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên hồi đầu tháng này của tàu Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba và tiên tiến nhất của Hải quân Trung Quốc, cũng cho thấy một chiến hạm khác đang được chế tạo. Đó là tàu tấn công đổ bộ Type 076, có thể đóng vai trò vừa là tàu sân bay trực thăng vừa là tàu sân bay UAV. Chiếc Type 076 dự kiến ​​sẽ là tàu chiến lớn thứ 4 của Trung Quốc sau 3 tàu sân bay Phúc Kiến, Liêu Ninh và Sơn Đông.

UAV thường hoạt động trong phạm vi giới hạn, khó triển khai chúng ra khỏi khu vực ven biển. Do đó, việc sở hữu một tàu sân bay UAV sẽ cung cấp cho Hải quân Trung Quốc mạng lưới rộng khắp và linh hoạt hơn, cho phép nhiều loại UAV khác nhau tiến hành các cuộc tấn công hiệu quả.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc dẫn đầu thị trường UAV quân sự thế giới, xuất khẩu hơn 280 UAV chiến đấu trong thập kỷ qua, đặc biệt là sang Nam Á và Trung Đông.

Cuộc đua sôi nổi

Ý đã tiến hành thử nghiệm chuyên sâu về UAV trên biển và phát triển kế hoạch chế tạo một tàu chuyên dụng có khả năng vận hành UAV, tàu không người lái mặt nước (USV) và phương tiện không người lái dưới nước (UUV). Việc đóng con tàu uy lực này dự kiến bắt đầu vào năm 2029. Mỹ thì đang hướng tới mục tiêu đưa UAV trở thành phương tiện chính, chiếm tới 60% số phi đội trên tàu sân bay. Các UAV này sẽ thực hiện nhiệm vụ đánh chặn, tấn công, trinh sát và tiếp nhiên liệu.

Một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng đang xúc tiến kế hoạch xây dựng tàu sân bay UAV.

Vào tháng 4 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã biên chế tàu sân bay UAV TCG Anadolu (L-400). TCG Anadolu dài 231m, rộng 32m với lượng giãn nước 27.436 tấn. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 39km/h và hoạt động trên biển trong 50 ngày. Phi đội trên chiến hạm lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến ​​​​sẽ chủ yếu là các UAV Bayraktar TB3, phiên bản có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang có kế hoạch đóng một tàu sân bay UAV tương tự, mang tên TCG Trakya, thể hiện rõ hơn cam kết của nước này trong việc tăng cường năng lực hải quân.

Trong khi đó, vào năm 2023, các báo cáo lần đầu tiên xuất hiện về việc Hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hoán cải tàu container Shahid Mahdavi thành tàu sân bay UAV. Được thiết kế để triển khai máy bay trực thăng và UAV cánh cố định phóng từ đường băng, chẳng hạn như UAV cảm tử Shahed-136, tàu Shahid Mahdavi thể hiện lập trường quyết đoán của Iran trong chiến tranh không người lái. Con tàu hiện đang phục vụ trong IRGC.

Ngoài ra, Iran được cho là sắp bổ sung một tàu sân bay UAV khác, Shahid Bagheri, vào hạm đội hải quân nước này.

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP, EurAsian Times)

Chia sẻ bài viết