21/05/2025 - 21:22

Mỹ và châu Âu bất đồng trong chiến lược ứng phó Nga 

Phát biểu ngày 20-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Nhà Trắng đang cân nhắc “những hành động cần thiết” sau khi Anh và Liên minh châu Âu (EU) công bố lệnh trừng phạt mới đối với Nga.

Nói với phóng viên khi rời Ðồi Capitol sau cuộc họp về dự luật thuế, Tổng thống Trump chỉ cho biết Washington đang xem xét rất nhiều thứ nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. “Chúng ta hãy cùng chờ xem” - người đứng đầu Nhà Trắng nói.

Tuyên bố ngắn gọn được đưa ra sau thông tin các đồng minh ở châu Âu áp lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga trên các lĩnh vực quân sự, năng lượng và tài chính. Ðộng thái diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin không đạt tiến triển về cam kết ngừng bắn ở Ukraine trong cuộc điện đàm ngày 19-5. Trong cuộc gọi, Tổng thống Putin bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Ukraine về một bản ghi nhớ cho thỏa thuận hòa bình tiềm năng. Tuy nhiên, trong tuyên bố sau đó, người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov nói thêm rằng việc soạn thảo bản ghi nhớ về hòa bình với Ukraine “rất phức tạp” và không thể đặt thời hạn cho tiến trình này.


Tàu chở dầu Pashin của Nga trong lần cập cảng Thủ đô Havana, Cuba năm 2024.

 

Ðối với hành động gần như bác bỏ lệnh ngừng bắn trong 30 ngày từ Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Mát-xcơ-va đang “câu giờ” để tiếp tục chiến tranh. “Ðể Nga chấp nhận hòa bình, chúng ta cần gây thêm áp lực” - người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Kaja Kallas nhấn mạnh.

Theo quan điểm trên, EU sau cuộc họp cấp ngoại trưởng tại Brussels (Bỉ) đã ra thông báo về việc liên minh sẽ áp trừng phạt với gần 200 tàu trong cái gọi là “hạm đội ngầm” của Nga. Các tàu này bị cho sử dụng nhiều biện pháp để lách chế tài do Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) áp đặt, từ đó giúp Nga duy trì xuất khẩu dầu thô. Ngoài lệnh cấm đi lại đối với một số quan chức và đóng băng tài sản nhiều công ty tài chính Nga, EU còn thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với 31 thực thể hỗ trợ quân đội Nga thông qua việc cung cấp sản phẩm và công nghệ sử dụng kép.

Phối hợp với EU, Chính phủ Anh cũng công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào hạm đội ngầm nói trên, những tổ chức tài chính giúp Nga trốn tránh lệnh trừng phạt cũng như hoạt động thông tin do Ðiện Kremlin tài trợ để “phát tán thông tin sai lệch “ và “kích động các cuộc biểu tình” ở nhiều nước châu Âu. Các biện pháp mới đồng thời nhắm vào chuỗi cung ứng hệ thống vũ khí của Nga.

Phát biểu bên lề cuộc họp với những người đồng cấp EU tại Brussels, Ngoại trưởng Ðức Johann Wadephul cho biết liên minh đã nhiều lần kêu gọi Nga thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức mà không kèm điều kiện tiên quyết. “Do Nga không chấp nhận, chúng tôi buộc phải phản ứng. Chúng tôi cũng hy vọng Mỹ với vai trò đồng minh sẽ không dung túng cho điều đó” - ông Wadephul nói thêm.

Bất chấp hoạt động vận động hành lang công khai mạnh mẽ từ lãnh đạo các nước châu Âu, lệnh trừng phạt mới mà phương Tây áp đặt được công bố mà không có thông báo ngay lập tức về các bước đi tương ứng từ Washington. Ðầu tháng 5, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ cùng các đối tác áp trừng phạt bổ sung nếu Nga không đồng ý ngừng bắn vô điều kiện. Nhưng sau cuộc điện đàm ngày 19-5, khi được hỏi về các lệnh trừng phạt tiềm tàng dành cho Nga, Tổng thống Trump cho biết đó không phải là ý tưởng hay bởi ông tin Tổng thống Putin vẫn muốn đạt được một thỏa thuận.

Bảo vệ chính sách trên của Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Nga không nhận được bất kỳ lợi thế nào từ cách tiếp cận của Nhà Trắng và việc Mỹ hoãn việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga nhằm duy trì đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với cả Mát-xcơ-va và Kiev. Ông Rubio cho biết Tổng thống Trump tin rằng nếu bắt đầu đe dọa trừng phạt ngay lúc này, người Nga sẽ ngừng đàm phán. Theo ông Rubio, các lệnh trừng phạt chỉ trở nên cần thiết nếu Nga không thực sự quan tâm đến đàm phán hòa bình và tiếp tục hoạt động quân sự. Khi được hỏi liệu Nga có đang tiếp cận các cuộc đàm phán về Ukraine một cách thiện chí hay không, ông Rubio thừa nhận “vẫn chưa thể đưa ra kết luận”. Theo ông Rubio, các đề xuất của Nga về giải quyết hòa bình sẽ cho thấy quyết tâm của Mát-xcơ-va trong việc chấm dứt xung đột.

Trong khi đó, tiết lộ với tờ New York Times, một quan chức Nhà Trắng nói rằng Tổng thống Trump sở dĩ từ chối áp trừng phạt Nga vì động thái như vậy có thể cản trở các mục tiêu thương mại với Mát-xcơ-va trong tương lai, làm ảnh hưởng khả năng “tối đa hóa cơ hội kinh tế cho người Mỹ”. Ðây là cách tiếp cận đặc trưng của vị tổng thống vốn luôn nhìn nhận các vấn đề quốc tế qua lăng kính kinh doanh và lợi ích thương mại.

Tập đoàn Turgis Gaillard của Pháp cho biết họ đang phát triển hệ thống tấn công tầm xa có thể thay thế hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS), vũ khí do Mỹ sản xuất và đã được chứng minh hiệu quả trong cuộc chiến Ukraine.

Thiết kế đầy tham vọng có tên Foudre là hệ thống gắn trên xe tải, có thể vận chuyển bằng đường hàng không với tính cơ động cao. Các báo cáo trước đó cho hay, Foudre có thể phóng tên lửa hành trình và bắn được nhiều loại đạn dược dẫn đường chính xác với tầm bắn từ 74 đến 1.000km. Nó có thể mang tên lửa M31, Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội MGM-140 (ATACMS) và thậm chí cả Tên lửa tấn công chính xác mới (PrSM) do Mỹ sản xuất được HIMARS sử dụng.

Hiện chưa rõ hệ thống mới có thể cạnh tranh với HIMARS đến mức nào. Tuy nhiên, Turgis Gaillard mô tả Foudre là loại vũ khí cần thiết cho chiến tranh hiện đại khi bổ sung vào chuỗi vệ tinh, hệ thống tình báo và các đội máy bay không người lái khả năng tấn công chính xác tới 1.000km, phá vỡ phòng tuyến của kẻ thù và bảo vệ lực lượng đồng minh.

MAI QUYÊN (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết