22/05/2025 - 18:33

Tập huấn hướng dẫn giám sát viêm phổi, lấy mẫu và xử lý ổ dịch cúm A, COVID-19 

(CT) - Chiều 22-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ triển khai kế hoạch tập huấn hướng dẫn giám sát viêm phổi nặng do virus, lấy mẫu và xử lý ổ dịch cúm A, COVID-19.

Tập huấn hướng dẫn giám sát viêm phổi nặng do virus, lấy mẫu và xử lý ổ dịch cúm A, COVID-19. Ảnh: H.HOA

Các báo cáo viên đến từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, CDC Cần Thơ thông tin tình hình dịch cúm, dịch COVID-19; hướng dẫn giám sát viêm phổi nặng do virus; giám sát, đáp ứng điều tra, xử lý dịch cúm gia cầm trên người; hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm virus cúm A.

Theo báo cáo của ngành y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước xảy ra 8 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên 6 tỉnh, thành; số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy 24.818 con. Trong đó, ÐBSCL xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long; số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy 11.850 con.

Nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do tổng đàn gia cầm lớn, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vaccine; tỷ lệ lưu hành H5N1, H5N6... khá cao ở nhiều địa phương. Bệnh cúm gia cầm dễ lây lan, tái phát, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên có thể gây chết người và chết gia cầm hàng loạt.

Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm, ngành thú y, y tế, địa phương cần vận động, tuyên truyền chủ vật nuôi phải kê khai, đăng ký chăn nuôi với UBND cấp xã. Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, khử trùng... theo quy định. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Chủ vật nuôi khi phát hiện gia cầm bệnh, chết phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y nơi gần nhất. Khi có biểu hiện sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế.

H.HOA

 

Chia sẻ bài viết