22/05/2025 - 14:24

Cảnh giác với diễn tiến nhanh chóng của bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh 

(CTO) - Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhi 9 tháng tuổi bị viêm phổi nặng. Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo đến các phụ huynh lưu ý về bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.

Bác sĩ thăm khám cho trẻ trước khi xuất viện.

Bệnh lý này có thể khởi phát mà không có dấu hiệu ho hay chảy mũi, đến khi phát hiện, chẩn đoán bệnh, có thể đã ở tình trạng nghiêm trọng, xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bé trai L.N.A (9 tháng tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) nhập viện trong tình trạng sốt, nôn và thở nhanh. Trước đó 2 ngày, bé bắt đầu có dấu hiệu sốt, nôn ói, bú kém và không hoạt bát như thường ngày.

Qua thăm khám chuyên sâu, các bác sĩ BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long chẩn đoán bé viêm phổi nặng và được đưa vào phòng hồi sức nhi để theo dõi sát sao. Bé được thở oxy, truyền thuốc kháng sinh và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.

Sau 2 ngày điều trị tích cực, tình trạng của bé dần ổn định. Sau 1 tuần, bé đã hết sốt, bú tốt trở lại và vừa được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh.

BS CKII Phạm Nguyễn Yến Trang, Phó Trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, viêm phổi có thể khởi phát mà không có dấu hiệu ho hay chảy mũi. Do đường thở của trẻ còn rất nhỏ và nhạy cảm, khi bị viêm sẽ dễ bị phù nề, tiết dịch gây nghẹt tắc, dẫn đến bé phải gắng sức để thở, biểu hiện là thở nhanh, thở gấp, ngực lõm xuống mỗi lần hít thở và lượng oxy trong máu giảm. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể hồi phục nhanh chóng, đồng thời tránh được những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, xẹp phổi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Việc chủ quan hoặc chậm trễ trong điều trị có thể khiến bệnh diễn tiến nặng, kéo dài thời gian điều trị và có nguy cơ để lại di chứng lâu dài.

Bác sĩ Yến Trang khuyên phụ huynh khi thấy trẻ sốt cao kéo dài, nôn ói nhiều, bú yếu, bỏ bú, thở nhanh, thở gấp, ngực lõm xuống mỗi lần hít thở, thở mệt, lừ đừ, ít phản ứng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết